spot_img
32 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpMinh định dòng vốn để phân quyền cho doanh nghiệp

Minh định dòng vốn để phân quyền cho doanh nghiệp

Là một trong các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang vướng một câu hỏi: Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chuyển giao về SCIC là vốn của SCIC hay vốn của nhà nước?

SCIC là doanh nghiệp hay là cơ quan hành chính?

Bình luận về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cũng là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng SCIC là doanh nghiệp, hoạt động theo các quy định của Luật doanh nghiệp và các luật khác chứ không phải cơ quan hành chính như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước hay các bộ, ngành, địa phương.

Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng, nếu ở vai cơ quan hành chính, vốn nhà nước được ghi nhận theo giá trị ở thời điểm chuyển giao; còn nếu ở vai doanh nghiệp, vốn nhà nước đã được giao cho doanh nghiệp thì phải trở thành vốn của doanh nghiệp, phân cấp phân quyền để doanh nghiệp được chủ động sử dụng, quản lý, đầu tư đồng vốn ấy.

Minh định dòng vốn để phân quyền cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Không phải đến khi Dự luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đưa ra góp ý, câu chuyện vốn nhà nước hay vốn doanh nghiệp mới dấy lên tranh luận. Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cũng quy định SCIC là một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay các bộ ngành khác, chứ không minh định đây là một doanh nghiệp, vận hành theo cách thức và quy định hoàn toàn khác các cơ quan hành chính.

Ông Phúc cho rằng là pháp nhân, doanh nghiệp phải có vốn, có tài sản. Vậy vốn của SCIC đến từ đâu?

Khoản 9 Điều 3 Luật số 69 quy định: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”.

Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP: “Vốn chủ sở hữu của SCIC bao gồm: “b) Vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty theo quy định tại Điều 7 Nghị định này”;

Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định “Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên hoặc Biên bản điều chỉnh việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (nếu có)”.

Điểm b Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 148/2017/NĐ-CP quy định: “Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của SCIC có thể tăng lên do vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty nhận chuyển giao”.

Với các quy định trên, ông Phúc nhận xét, về bản chất, việc Nhà nước chuyển giao vốn cho SCIC là việc nhà nước mang tài sản để góp vốn vào SCIC. Sau khi nhận vốn góp, quyền sở hữu cổ phần, quyền sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp trở thành tài sản của SCIC. Nhà nước sở hữu SCIC và SCIC sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhận bàn giao.

Không thể trái quy định kế toán

Nếu coi vốn SCIC nhận bàn giao tiếp tục là vốn nhà nước thì sẽ dẫn đến tình trạng 1 đồng vốn nhà nước bàn giao về SCIC được phản ánh trùng ở hai pháp nhân độc lập, thể hiện trên bản cân đối kế toán và báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp: một là vốn nhà nước tại SCIC; hai là vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chuyển giao cho SCIC.

Minh định dòng vốn để phân quyền cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

SCIC đã có văn bản xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về vị trí pháp lý và cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp do SCIC là chủ sở hữu. Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn: “Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật 69, vốn của SCIC tại các doanh nghiệp tiếp nhận được xác định là vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Bộ Tài chính cũng công nhận thực tế, thời gian qua SCIC vẫn thực hiện quyền cổ đông thành viên góp vốn tại các doanh nghiệp tiếp nhận theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện quản lý vốn tại các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật về quản lý vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư tại doanh nghiệp khác”.

Bên cạnh đó, quy định về Người đại diện vốn cũng thay đổi khái niệm từ Người đại diện vốn nhà nước thành Người đại diện vốn của SCIC. Bộ Tài chính cũng nêu rõ: “Người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC là Người đại diện phần vốn của SCIC tại doanh nghiệp khác, không phải là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật