Theo báo cáo mới nhất của VCBS, tính đến ngày 7/12/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng 12,5%, cao hơn so với mức tăng trưởng 9% cùng kỳ. Các ngân hàng tư nhân đang ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhờ vào sự phục hồi của phân khúc khách hàng cá nhân và nhu cầu tín dụng từ nhóm doanh nghiệp.
Nhu cầu tín dụng từ nhóm doanh nghiệp và cá nhân tăng mạnh
Dự kiến đến cuối năm, nhu cầu tín dụng của mảng sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng, đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng tăng mạnh. Số liệu ghi nhận, tổng dư nợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng 10,7% vào thời điểm cuối quý III/2024, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,9% và 7,8% tổng dư nợ.
VCBS dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ còn tăng trưởng khả quan trong năm 2025 nhờ đà phục hồi sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực. Bên cạnh đó, các khó khăn về pháp lý dần được tháo gỡ, các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội được thúc đẩy phát triển, tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu 15% trong năm 2024 và tiếp tục duy trì mức 14-15% trong năm 2025.
Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng – nguồn VCBS |
>> Top 10 ngân hàng báo lãi cao nhất quý III/2024: Vietcombank dẫn đầu, HDBank tăng tốc
ACB – nợ xấu gia tăng nhưng dự báo sẽ được cải thiện từ năm 2025
Với những phân tích chung về ngành và doanh nghiệp, VCBS đưa ra các khuyến nghị đối với từng ngân hàng cụ thể, trong đó có khuyến nghị MUA với mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu. ACB là ngân hàng nổi bật với mảng bán lẻ và khách hàng SME, thường duy trì hiệu quả sinh lời cao.
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, ACB đạt hơn 15.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 2% so với cùng kỳ. Mặc dù mức tăng trưởng này không cao so với toàn ngành, nhưng VCBS dự báo, cả năm 2024, ACB sẽ lãi trước thuế hơn 20.800 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc ngân hàng này có thể đạt khoảng 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV/2024.
Nhìn xa hơn, VCBS dự báo rằng ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định vào năm 2025, với tổng thu nhập hoạt động đạt 38.649 tỷ đồng (tăng trưởng 14,7% so với 2024), và lợi nhuận trước thuế đạt 24.430 tỷ đồng (tăng trưởng 17,39% so với ước lãi năm 2024). Sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm khách hàng cá nhân sẽ là động lực chính giúp ACB tăng trưởng tín dụng và đạt mục tiêu lợi nhuận.
Mặc dù ACB đang đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng trong giai đoạn 2023-2024, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp so với ngành. Tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng từ 1,21% lên 1,49%. Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng 40,5% lên mức 8.274 tỷ đồng, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến 56%, lên trên 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cho rằng, chất lượng tài sản của ACB sẽ được cải thiện trong năm 2025, nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả kinh doanh của ACB |
>> ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy đã thực nộp bao nhiêu tiền thuế?
Khuyến nghị MUA với cổ phiếu ACB, kỳ vọng tăng 22%
Với mức P/E là 6,31x và P/B là 1,43x, ACB hiện vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn so với các ngân hàng khác trong ngành. Cổ phiếu ACB đã ghi nhận một mức tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, từ mức giá 18.400-26.300 đồng/cổ phiếu.
Nguồn VCBS |
Hiện tại, cổ phiếu ACB đang giao dịch ở mức 24.800 đồng/cổ phiếu. Với những phân tích dựa trên chiến lược ngành và doanh nghiệp nói chung, các chuyên gia VCBS nhận định rằng ACB có tiềm năng đạt mức giá mục tiêu 30.250 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng trưởng 22%.
Với mức định giá hấp dẫn và dự báo tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới, VCBS khuyến nghị MUA với cổ phiếu ACB, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh trong năm 2025.
>> Ngân hàng nào ‘chịu chi’ cho nhân viên nhất hiện nay?