Ngày 22/5/2025, Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm nhựa PET có xuất xứ từ Việt Nam, nhập khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Đây là vụ việc phòng vệ thương mại thứ hai trong năm 2025 mà EU áp dụng với hàng hóa Việt Nam, cho thấy những tín hiệu cảnh báo rõ ràng với các ngành xuất khẩu chủ lực.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), vụ việc được khởi xướng sau khi EC tiếp nhận hồ sơ yêu cầu từ tổ chức PET Châu Âu vào ngày 9/4/2025. Mặt hàng bị điều tra là nhựa polyethylene terephthalate (PET) có độ nhớt 78 ml/g trở lên, theo tiêu chuẩn ISO 1628-5, thuộc mã HS 39076100.
Cáo buộc từ nguyên đơn cho rằng sản phẩm PET của Việt Nam bị bán phá giá tại thị trường EU với biên độ từ 11% đến 19%, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội khối. Giai đoạn điều tra bán phá giá được xác định từ 1/1/2024 đến 31/12/2024, trong khi giai đoạn điều tra thiệt hại kéo dài từ năm 2021 đến cuối năm 2024.
Theo số liệu từ nguyên đơn, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 402.545 tấn nhựa PET sang EU – con số cho thấy tầm quan trọng của thị trường này đối với các doanh nghiệp nhựa trong nước.
Trước đó, mặt hàng PET đã được Cục PVTM đưa vào danh sách cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ tháng 12/2024. Việc EC khởi xướng điều tra càng củng cố xu hướng siết chặt các hàng rào thương mại kỹ thuật đối với sản phẩm xuất xứ từ các nước đang phát triển.
Cũng theo EC, thông báo khởi xướng nêu chi tiết các cáo buộc liên quan đến bán phá giá, thiệt hại, mối quan hệ nhân quả, đồng thời đề cập khả năng có sự can thiệp giá nguyên liệu đầu vào từ phía Chính phủ – một yếu tố nhạy cảm có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả điều tra.
Vụ việc dự kiến kéo dài trong vòng 12 tháng kể từ ngày khởi xướng, có thể gia hạn nhưng không quá 14 tháng. Trong thời gian này, các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, được khuyến nghị khẩn trương nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, hợp tác toàn diện và kịp thời với EC.
Cục PVTM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định về cung cấp tài liệu, dữ liệu theo đúng thể thức, thời hạn, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình để nhận được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý trong nước. Hệ thống điện tử TRON của EC sẽ là kênh chính thức để tiếp nhận và trao đổi thông tin trong quá trình điều tra.
Hiện Hiệp hội Nhựa Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan đang gấp rút rà soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu và chuẩn bị phương án ứng phó. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, vụ việc này là lời nhắc nhở rõ ràng về yêu cầu nâng cao năng lực tuân thủ và chủ động phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp Việt.