spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpMột tỉnh từng nhiều lần sáp nhập: GRDP đầu người vượt 150...

Một tỉnh từng nhiều lần sáp nhập: GRDP đầu người vượt 150 triệu đồng, nhỏ nhất nhưng hút vốn đầu tư nhiều nhất

Dù có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng tỉnh này lại là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Theo Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên hiện trạng, gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Bắc Ninh không nằm trong danh sách này và có thể được xem xét sắp xếp lại địa giới hành chính.

Bắc Ninh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh có vị trí chiến lược khi giáp với Bắc Giang ở phía Bắc, Hải Dương ở phía Đông Nam, Hưng Yên ở phía Nam và Hà Nội ở phía Tây.

Lịch sử địa giới hành chính của Bắc Ninh ghi nhận nhiều lần thay đổi. Năm 1822, xứ Kinh Bắc được đổi thành tỉnh Bắc Ninh dưới triều Nguyễn. Đến tháng 10/1962, theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Bắc Ninh sáp nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Khi đó, “Bắc Ninh” chỉ còn là tên của một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Bắc với tên gọi thị xã Bắc Ninh. Đến ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 10 đã ra nghị quyết tái lập tỉnh Bắc Ninh.

Hạ tầng giao thông của Bắc Ninh phát triển mạnh, giúp kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, 1B, 18, 38 cùng các tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn liên thông với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hệ thống các trục quốc lộ kết nối mọi miền đất nước. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đang được thi công, kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

>> Các KCN tại tỉnh duy nhất ‘nằm trong vùng Thủ đô nhưng không giáp Thủ đô’ đã hút gần nửa tỷ USD vốn đầu tư

Một tỉnh từng nhiều lần 'sáp nhập': GRDP đầu người vượt 150 triệu đồng, nhỏ nhất nhưng hút vốn đầu tư nhiều nhất
Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hiện nay

Dù có diện tích nhỏ, Bắc Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Theo Cục Thống kê, năm 2023, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư đăng ký, đạt gần 5,12 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư FDI.

Nếu tính riêng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm, Bắc Ninh cũng đứng đầu với 4,84 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2030 với tổng diện tích hơn 6.397ha, bao gồm 27 dự án đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Với mức tăng trưởng GRDP đạt 6,03% trong năm 2024, quy mô nền kinh tế của Bắc Ninh theo giá hiện hành đạt hơn 232.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 150,5 triệu đồng, trong khi năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 293,9 triệu đồng/lao động.

Xuất khẩu là thế mạnh nổi bật của Bắc Ninh trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 13,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ hai sau TP. HCM. Trong giai đoạn 2016-2018, xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt lần lượt 22,1 tỷ USD, 29,6 tỷ USD và 34,9 tỷ USD. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ xuống 34 tỷ USD nhưng vẫn duy trì vị trí thứ hai cả nước.

Năm 2020, xuất khẩu của Bắc Ninh phục hồi, vọt lên 39,1 tỷ USD, chỉ thấp hơn TP. HCM 5,4 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bất ngờ tăng mạnh lên 44,84 tỷ USD, chỉ kém TP. HCM khoảng 40 triệu USD. Năm 2022, xuất khẩu đạt mức kỷ lục 45,1 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, từ năm 2023 đến 2024, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh ghi nhận sự sụt giảm, chỉ đạt 39,3 tỷ USD vào năm 2023 và 39 tỷ USD vào năm 2024. Điều này kéo theo tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm từ 13,2% vào năm 2015 xuống còn 9,6% vào năm 2023.

Mặc dù vậy, vị trí thứ hai về xuất khẩu của Bắc Ninh vẫn được duy trì trong suốt một thập kỷ qua. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 41,7 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Ngày 31/3, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh rằng, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong quý I/2025, tỉnh đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư, đứng đầu cả nước. Đáng chú ý, số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp trong nước tương đương với doanh nghiệp FDI, trong đó có bảy dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước với chỉ 822,7km2 nhưng giữ vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ đầu năm 2025 đến nay, kinh tế tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng tích cực.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật