spot_img
37.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpMSB công bố khung tài chính bền vững

MSB công bố khung tài chính bền vững

MSB sẽ ưu tiên tài trợ các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông vận tải sạch… theo khung tài chính vừa công bố.

MSB xây dựng khung tài chính bền vững (SFF) với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới. Bộ khung dựa trên bốn nội dung cốt lõi: mục đích sử dụng vốn phù hợp với các tiêu chí, quy trình đánh giá – lựa chọn tài sản hoặc dự án, cách quản lý nguồn vốn huy động và công tác báo cáo. Trong đó, báo cáo bao gồm phân bổ vốn và đánh giá tác động môi trường.

Theo đó, nguồn vốn huy động từ các khoản vay hoặc phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của MSB sẽ được dùng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án đủ điều kiện thuộc 8 lĩnh vực xanh và 5 mục tiêu xã hội. Một số khoản có thể kết hợp cả hai nhóm lĩnh vực. Các hoạt động này hướng đến thúc đẩy Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đồng thời góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ngân hàng ưu tiên tài trợ các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông vận tải sạch, công trình xanh, quản lý nước – nước thải bền vững và chống biến đổi khí hậu. Về các dự án xã hội, MSB tập trung vào lĩnh vực tài chính toàn diện, giáo dục, y tế, bình đẳng giới và nhà ở giá phải chăng.

  • Ngân hàng kỳ vọng Khung tài chính bền vững sẽ mở rộng khả năng tiếp cận vốn xanh. Ảnh: MSB

Khung tài chính bền vững của MSB được phát triển và phù hợp với các nguyên tắc quốc tế do ICMA, LMA, APLMA và LSTA ban hành. Mới đây, S&P Global Ratings đã đưa ra ý kiến độc lập (SPO) với khung tài chính này.

Cụ thể, S&P Global Ratings đánh giá nhà băng đang có những bước tiến hiệu quả trong việc đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, góp phần giải quyết các thách thức môi trường cấp bách như phát thải khí nhà kính và ô nhiễm.

MSB nằm trong số ngân hàng tại Việt Nam áp dụng chuẩn tính toán của Hiệp hội Kế toán Carbon trong ngành Tài chính (PCAF) để đo lường lượng khí thải từ hoạt động cho vay thuộc phạm vi 3 (Scope 3 financed emissions). Việc hợp tác với các đơn vị tư vấn để tính toán lượng phát thải từ toàn bộ hoạt động của ngân hàng thể hiện mức độ cam kết cao của MSB trong việc quản lý rủi ro khí hậu so với thông lệ khu vực.

S&P Global Ratings cũng ghi nhận, hiện Khung tài chính bền vững của MSB không có điểm yếu trong phát triển bền vững. Đây là cơ sở để ngân hàng nâng cao vị thế và uy tín với các nhà đầu tư quốc tế.

Những năm gần đây, nắm bắt xu hướng chung của thế giới cũng như thông điệp từ các cơ quan ban ngành, MSB xác định phát triển bền vững là một hoạt động trọng tâm của ngân hàng. Từ năm 2023, nhà băng đã áp dụng Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội (ESMS) cho toàn bộ danh mục cho vay. Hệ thống này bao gồm các bước rà soát danh mục loại trừ, phân loại rủi ro, đánh giá tác động và yêu cầu kế hoạch hành động khi cần thiết.

Năm 2024, ngân hàng tiếp tục xây dựng danh mục phân loại xanh nội bộ để phục vụ phát triển sản phẩm tín dụng xanh. Tổng giá trị các gói vay xanh đã triển khai lên đến 3.500 tỷ đồng.

Theo đại diện ngân hàng, việc công bố Khung tài chính bền vững được kỳ vọng sẽ giúp MSB mở rộng khả năng huy động các nguồn vốn xanh và xã hội trong nước lẫn quốc tế, đồng thời góp phần lan tỏa xu hướng tài chính bền vững tại Việt Nam, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Ngọc

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật