spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp"Mục tiêu cuối của thực hành ESG là mang lại niềm hạnh...

"Mục tiêu cuối của thực hành ESG là mang lại niềm hạnh phúc cho người tiêu dùng"

Với nhiều doanh nghiệp, đích đến của thực hành tốt ESG là tạo ra một tương lai bền vững hơn và mang tới hạnh phúc cho khách hàng, người tiêu dùng.

Đánh giá về sự kiện ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, bà Trần Thị Bích Vân – Trưởng bộ phận xúc tiến phát triển bền vững của Công ty Acecook Việt Nam – cho rằng đây là cột mốc quan trọng trong hành trình hướng đến phát triển bền vững của Việt Nam.

“Tôi tin rằng diễn đàn ESG Việt Nam sẽ là nơi trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm thực tế, hợp tác cùng phát triển từ các tổ chức, đồng thời nâng cao cơ hội tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng từ các bộ – ban ngành, thúc đẩy các doanh nghiệp cùng nhau hướng tới sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững chung”, bà Vân chia sẻ.

Cùng chung đánh giá về tác động của Diễn đàn ESG Việt Nam với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đưa ra đề xuất các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường hỗ trợ chính sách và khuyến khích tài chính cho các dự án xanh, bao gồm ban hành quy định về các tiêu chuẩn phân loại “xanh”, ưu đãi về thuế và lãi suất vay.

“TPBank cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác công – tư và quốc tế để huy động nguồn vốn tài trợ cho tín dụng xanh và học hỏi kinh nghiệm từ các dự án bền vững mà các tổ chức tài chính quốc tế đã triển khai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và giáo dục về phát triển bền vững thông qua các chương trình đào tạo và tuyên truyền rộng rãi đến nhân lực ngành ngân hàng. TPBank đề xuất thành lập các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin về công nghệ xanh, thiết lập các tiêu chuẩn ESG quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”, vị này chia sẻ thêm.

Diễn đàn ESG Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cùng nhau hướng tới sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững.

Là những đơn vị hàng đầu trong ngành thực phẩm và tài chính ở Việt Nam, Acecook Việt Nam và TPBank đều đặt mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và ưu tiên của kế hoạch dài hạn, trong đó thực hành ESG chính là công cụ thiết thực nhất mà hai đơn vị này đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Trần Thị Bích Vân, Acecook Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các giải pháp thiết thực và phù hợp nhất cho doanh nghiệp ở cả 3 mảng E-S-G. Cụ thể, để thực hành yếu tố E, công ty này đang nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh như biogas, nguồn điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên nóc nhà máy, văn phòng; tích cực nghiên cứu cách giảm nhựa trên bao bì sản phẩm, hay tạo ra những sản phẩm mới bổ sung thêm dinh dưỡng.

“Về yếu tố Xã hội, chúng tôi không ngừng nỗ lực để mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng, trong đó, nổi bật có thể kể đến như thực hiện các chương trình giáo dục dinh dưỡng, nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, đồng hành cùng các chương trình thể thao, rèn luyện sức khỏe, tăng cường nhận thức về phòng chống thiên tai cho học sinh, hay các hoạt động xã hội như cứu trợ các vùng thiên tai, phối hợp các bác sĩ tổ chức khám và chữa mắt miễn phí cho người nghèo tại các địa phương, chương trình Gói mì hạnh phúc cho trẻ em vùng cao…”, bà Vân bày tỏ.

Vị đại diện này cũng khẳng định các hoạt động cộng đồng không chỉ đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn có vai trò quan trọng hơn bởi đó là sự thực thi của một trong những giá trị cốt lõi 3H của Acecook Việt Nam là mang đến hạnh phúc cho người tiêu dùng, cán bộ nhân viên và người nhà của họ, và cho xã hội.

Trong khi đó, với đặc thù của ngân hàng hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam, TPBank đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như phát triển tín dụng xanh (tập trung cho vay các dự án nông nghiệp, giao thông vận tải bền vững, xây dựng và bất động sản xanh, Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, quản lý nước và chất thải bền vững), thực hiện giảm thiểu khí thải carbon bằng cách tiết kiệm năng lượng, phân loại rác thải, đồng thời thúc đẩy sử dụng công nghệ số thông qua phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán số, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên giấy.

Riêng với yếu tố xã hội trong thực hành ESG, ngân hàng này chú trọng hỗ trợ cộng đồng thông qua các giao dịch thương mại có yếu tố phụ nữ, thúc đẩy mạnh mẽ tài chính bình đẳng giới tại Việt Nam. Hàng năm, TPBank thực hiện nhiều chương trình từ thiện như xây dựng trường học, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ y tế cho các khu vực khó khăn và tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai.

TPBank tạo ra môi trường làm việc an toàn, công bằng và thân thiện, nơi nhân viên có thể phát huy và nâng cao năng lực của bản thân. Hiện tỷ lệ lao động nữ tại TPBank chiếm tới 62%, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt là nữ quản lý điều hành, các phúc lợi dành riêng cho phụ nữ luôn được ưu tiên thực hiện.

“TPBank luôn quan tâm đến nhu cầu của khách hàng với triết lý kinh doanh ‘Lấy khách hàng làm trọng tâm’, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính chất lượng cao, minh bạch về chi phí và lãi suất, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. TPBank cũng không ngừng đầu tư vào các hệ thống bảo mật thông tin để bảo vệ dữ liệu khách hàng và tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng… Việc thực hành và tích hợp các yếu tố ESG không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp TPBank nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong tương lai”, đại diện ngân hàng chia sẻ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây