Cảng biển đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của cả nước. Là cửa ngõ giao thương quốc tế, cảng biển còn là điểm chuyển tải hàng hóa từ vận tải đường biển sang các phương thức vận chuyển khác như đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa.
Với gần một nửa số tỉnh, thành phố có biển và chiều dài bờ biển lên đến hơn 3.260km, Việt Nam cũng sở hữu vùng biển rộng lớn, với nhiều bán đảo, vũng, vịnh sâu và kín gió, nằm ngay trên tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Cảng biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi logistics
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng được nâng cao về năng lực và chất lượng dịch vụ, góp phần làm gia tăng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển. Năm 2015, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 427,8 triệu tấn, chiếm 81,8% tổng khối lượng hàng hóa qua các loại cảng (bao gồm cảng biển, cảng thủy nội địa và cảng hàng không).
Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng 61,8%, tương đương mức tăng bình quân mỗi năm là 10%. Đến năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022. Trong năm 2024, tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, số lượt tàu biển cập cảng ước tính đạt 102,67 nghìn lượt, tăng 2% so với năm 2023. Trong khi đó, số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển cũng ghi nhận mức tăng 8%, đạt 380,1 nghìn lượt.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển giai đoạn 2015-2024. Ảnh: Tổng hợp |
>> Cảng container lớn nhất Việt Nam sẽ đón 1,5 triệu tấn hàng trong tuần đầu Tết Nguyên đán 2025
Với lợi thế sở hữu bờ biển dài và vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế, cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận tải cũng như nền kinh tế Việt Nam. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, khả năng chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng và vận hành trên các tuyến đường xa. Thực tế, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới và thu hút được 40 hãng tàu lớn trên toàn cầu tham gia hoạt động.
Hiện nay, Việt Nam có ba cảng (TP. HCM, Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải) nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Hệ thống cảng biển cũng đã được quy hoạch đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các trung tâm và vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Các cảng lớn đóng vai trò chủ chốt trong việc phục vụ xuất nhập khẩu và thúc đẩy phát triển khu vực, tiêu biểu như cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng (vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc), cảng biển Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung), cảng biển TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), và cảng biển Cần Thơ, An Giang (vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long).
Một số cảng biển hiện nay đang được đầu tư phát triển theo quy mô hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, như Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Cảng container Quốc tế Tân Cảng (HICT) tại Hải Phòng. Đây là những cảng nước sâu có khả năng đón tàu siêu trường, siêu trọng, phục vụ các hải trình quốc tế.
Việt Nam hiện đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó bao gồm 25 tuyến quốc tế và 7 tuyến nội địa. Bên cạnh các tuyến tại châu Á, khu vực phía Bắc đã khai thác hai tuyến vận tải đi Bắc Mỹ, trong khi phía Nam đã hình thành 16 tuyến đi Bắc Mỹ và châu Âu. Việt Nam đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á về số lượng tuyến vận tải biển, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Với nhiều ưu thế vượt trội, Việt Nam đang dần trở thành công xưởng thế giới, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu. Trong vòng 10 năm qua, tốc độ xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, đạt mức trung bình khoảng 13% mỗi năm.
Báo cáo “Ngành cảng container – Vươn mình ra biển lớn, nắm bắt những cơ hội mới” từ VnDirect Research chỉ ra rằng ngành cảng biển Việt Nam đang dần trở thành một ngôi sao sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của dòng vốn FDI và khả năng tận dụng lợi thế về vị trí chiến lược cùng cơ sở hạ tầng hiện đại là những yếu tố đóng góp vào thành công này.
Vị trí địa lý thuận lợi và khả năng kết nối cao đã giúp ngành cảng biển Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ sự gia tăng hoạt động thương mại toàn cầu. Chỉ số kết nối toàn cầu (LSCI) của Việt Nam đã liên tục tăng kể từ năm 2013, đạt 409,1 điểm vào quý II/2024, nâng Việt Nam lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng.
Ngành vận tải biển toàn cầu trong những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về kích thước tàu để nâng cao năng suất và giảm chi phí vận chuyển. Theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam (VMA), số lượng tàu lớn ra vào các cảng Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua, phản ánh xu hướng toàn cầu.
Cảng Vũng Tàu, một trong những cảng lớn nhất của Việt Nam, đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về lượt tàu lớn cập cảng, từ hơn 300 lượt vào năm 2013 lên hơn 2,1 nghìn lượt vào năm 2023. Cảng này hiện có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải từ hơn 80.000DWT đến hơn 232.000DWT. Thêm vào đó, thời gian neo đậu tại các cảng Việt Nam chỉ dao động từ 10-15 giờ, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu là 22,7 giờ và mức trung vị là 19,3 giờ. Đây là minh chứng cho hiệu quả hoạt động xử lý hàng hóa và sự phát triển vượt bậc của cơ sở hạ tầng cảng tại Việt Nam.
Các cảng biển lớn đang góp phần định vị Việt Nam trên trường quốc tế
Cảng Hải Phòng
Cảng Hải Phòng, với lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc Việt Nam, sở hữu hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của vận tải và thương mại quốc tế.
Là một cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia và quốc tế, Cảng Hải Phòng có tổng chiều dài cầu bến lên đến 3.972mvà diện tích kho bãi khoảng 100ha. Trong suốt những năm qua, Cảng Hải Phòng cùng hệ thống cảng biển Hải Phòng đã tạo nên cửa ngõ giao thương quốc tế bằng đường biển lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, Cảng Hải Phòng đang khai thác nhiều bến cảng quan trọng như Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Tân Vũ, cùng với 5 bến phao và các khu chuyển tải như Bạch Đằng, Bến Gót, Lan Hạ, Hạ Long. Năm 2022, trong số ba cảng biển của Việt Nam được Tạp chí Hàng hải Vương quốc Anh Lloyd’s List xếp vào Top 100 cảng biển có sản lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, Cảng Hải Phòng đã nổi bật với mức tăng trưởng ấn tượng.
Năm 2023, tổng sản lượng hàng hóa khu vực Hải Phòng đạt 97,6 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2022 (95,02 triệu tấn). Trong đó, hàng container đạt 6,37 triệu TEU, tăng 0,7% so với năm 2022 (6,33 triệu TEU), trong khi sản lượng hàng ngoài container (trừ hàng lỏng) giảm 5,2%. Thị phần hàng hóa hợp nhất của Cảng Hải Phòng, bao gồm cả Cảng Đình Vũ, chiếm 44,7% tổng sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng. Trong đó, hàng container chiếm 28,13% (giảm từ 30,4% trong năm 2022), còn hàng ngoài container chiếm 89,3% (tăng nhẹ so với 89,1% năm 2022).
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, trong năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng của công ty tăng trưởng ổn định, đạt khoảng 40 triệu tấn, trong đó hàng container đạt xấp xỉ 2 triệu TEU. Qua đó, công ty ghi nhận 2.910 tỷ đồng doanh thu.
Đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của Cảng Hải Phòng và vượt gần 26% so với mục tiêu năm đã đề ra.
Cảng Hải Phòng hiện đang đẩy mạnh thi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 3 và số 4 tại Lạch Huyện. Hạng mục cầu cảng đã cơ bản hoàn thành, và trong tháng 11, đối tác cung cấp thiết bị từ Nhật Bản sẽ tiến hành lắp đặt các thiết bị cẩu, trục tại bến. Mục tiêu là hoàn thiện dự án và đưa vào khai thác trong quý đầu năm 2025.
Kết quả kinh doanh của Cảng Hải Phòng |
Cảng Cát Lái
Theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Cảng Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn nhất cả nước. Trong năm 2023, cảng đã bốc xếp 5,33 triệu TEU, gấp ba lần so với cảng đứng thứ hai và gần bằng tổng sản lượng hàng hóa của tất cả các cảng ở miền Bắc và miền Trung cộng lại. Cảng Cát Lái cũng đạt sản lượng hàng hóa bốc xếp gần 80 triệu tấn, chiếm khoảng 22% tổng sản lượng cả nước.
Với tổng diện tích lên đến 1,6km2 và cầu tàu dài hơn 2km, Cảng Cát Lái sở hữu 9 bến đón tàu cùng một bến sà lan, cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng như giao nhận container, đóng/rút hàng hóa, kiểm tra container lạnh và lưu trữ tại kho bãi.
Có thể khẳng định, Cảng Cát Lái là cảng container bận rộn nhất Việt Nam. Năm 2022, cảng này đã thông quan cho 33.000 lượt doanh nghiệp và xử lý hơn 500.000 tờ khai hải quan. Với nhu cầu chuyển hàng khổng lồ, Cảng Cát Lái xử lý hơn 35% lượng hàng hóa bốc xếp của khu vực phía Nam. Đây không chỉ là điểm xuất khẩu hàng nông sản, may mặc và sản phẩm từ các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố, mà còn là nơi nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và máy móc thiết bị.
Cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Cảng Cái Mép – Thị Vải không chỉ là cụm cảng lớn nhất Việt Nam mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, cụm cảng này có khả năng tiếp nhận các tàu container siêu lớn, với trọng tải trên 214.000DWT, tương đương với sức chứa hơn 18.000TEU mỗi chuyến.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Cảng Cái Mép – Thị Vải hiện chiếm khoảng 70% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam qua đường biển. Đặc biệt, đây là cảng duy nhất tại Việt Nam có các chuyến tàu container đi trực tiếp đến châu Âu và châu Mỹ mà không cần phải trung chuyển qua các cảng khác trong khu vực, giúp tiết kiệm từ 7-10 ngày vận chuyển và giảm 10-15% chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ của Cảng Cái Mép – Thị Vải cũng đã thúc đẩy sự hình thành các khu công nghiệp và khu chế xuất lân cận, tạo ra một hệ sinh thái sản xuất và logistics hoàn chỉnh. Trong bán kính 20km từ cảng, hơn 15 khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, và Khu công nghiệp Châu Đức đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư và sản xuất.
Cảng Cái Mép – Thị Vải cũng ghi dấu ấn ấn tượng trên bản đồ cảng biển toàn cầu. Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence, cảng này xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng Chỉ số CPPI (Chỉ số hoạt động cảng container) của 405 cảng container toàn cầu, dựa trên 5 kích cỡ tàu. Cảng cũng đứng thứ 8 về sản lượng hàng hóa thông qua, với hơn 4 triệu TEU mỗi năm, vươn lên 5 bậc so với năm 2023 (xếp thứ 12).
Điều này cũng có nghĩa là Cái Mép – Thị Vải đã vượt qua nhiều cảng lớn khác trên thế giới như Yokohama (Nhật Bản) xếp thứ 9, Hồng Kông xếp thứ 15, và Singapore xếp thứ 17.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Loạt dự án cảng và siêu cảng mới sắp ‘góp sức’ cho ngành logistics
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM)
TP. HCM đặt mục tiêu triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ năm 2024, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 129.000 tỷ đồng.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km và bến sà lan dài khoảng 2km. Với tổng diện tích ước tính 571ha, trong đó khoảng 469,5ha sẽ bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở cho công nhân viên, và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Diện tích vùng nước hoạt động cảng dự kiến chiếm 101,5ha.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: vimc.co |
Theo kế hoạch, sản lượng hàng hóa qua cảng trong năm đầu tiên sẽ đạt khoảng 2,1 triệu TEU. Sau khi hoàn thành 7 giai đoạn đầu tư, vào năm 2047, sản lượng hàng hóa qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ đạt 16,9 triệu TEU, tương đương một nửa sản lượng của Singapore hiện nay.
Khi đi vào khai thác hết công suất, khu cảng này dự kiến đóng góp từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 129.000 tỷ đồng, do Tập đoàn MSC – một trong những hãng tàu container hàng đầu thế giới, đề xuất đầu tư.
Với vị trí địa lý chiến lược, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm đối diện cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và có lợi thế lớn trong việc thực hiện trung chuyển quốc tế. Cảng này nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, nơi có nền kinh tế năng động nhất Việt Nam, cảng Cần Giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút hàng hóa, phục vụ trung chuyển quốc tế. Vị trí của cảng này cũng cực kỳ lý tưởng cho các tuyến thương mại chính, nằm giữa hai cảng container lớn nhất thế giới là Singapore và Hong Kong (thứ 2 và thứ 9 về sản lượng), giúp kết nối các chuyến tàu trực tiếp giữa hai cảng này.
Mở rộng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)
Khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện, một dự án trọng điểm của Hải Phòng, được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm logistics không chỉ của miền Bắc mà còn của cả nước. Chính vì vậy, các dự án hạ tầng tại đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ TP. Hải Phòng.
Là cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, khu bến cảng Lạch Huyện sở hữu các bến container, bến tổng hợp, bến hàng rời, bến hàng lỏng/khí, bến khách quốc tế, bến công vụ, và bến dành cho phương tiện thủy nội địa. Đặc biệt, khu bến cảng này có khả năng tiếp nhận các tàu mẹ có trọng tải trên 50.000DWT, một loại tàu mà các khu cảng như sông Cấm hay bến cảng Đình Vũ không thể tiếp nhận do hạn chế về độ sâu mớn nước.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, cảng Lạch Huyện sẽ mở rộng với tổng số từ 13 đến 15 bến, trong đó 10 đến 12 bến sẽ phục vụ tàu container có trọng tải lên đến 12.000TEU (hoặc thậm chí 18.000TEU), còn 3 bến phía thượng lưu bến số 1 sẽ tiếp nhận hàng tổng hợp có trọng lượng lên đến 100.000 tấn.
Tổng lượng hàng hóa thông qua khu vực này dự kiến đạt từ 76 đến 85 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng container từ 5,5 đến 6,1 triệu TEU, chiếm từ 60-70% so với quy hoạch cũ.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2024, khu vực bến container 3, 4 và bến 5, 6 của cảng Lạch Huyện đang hối hả tăng cường nguồn lực để hoàn thành giai đoạn 1 và sớm đưa vào khai thác. Trong đó, bến container số 3 và số 4, do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư, đang gấp rút hoàn tất các hạng mục còn lại.
Việc đầu tư phát triển các bến tại cảng Lạch Huyện sẽ giúp tạo ra kết nối trực tiếp giữa Việt Nam với các thị trường lớn như châu Âu và châu Mỹ mà không cần phải trung chuyển qua nước thứ ba. Điều này không chỉ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Cảng biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ‘xanh hóa’ của Việt Nam
Hệ thống cảng biển Việt Nam được quy hoạch tổng thể cho giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến việc đáp ứng toàn diện nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách nội địa và quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực.
Quy hoạch đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong nước cũng như hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực. Hệ thống cảng biển được thiết kế để thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn, trong đó hàng container đạt từ 46,3 đến 54,3 triệu TEU (chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế). Về vận tải hành khách, hệ thống cảng sẽ phục vụ từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách.
Phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển là một ưu tiên hàng đầu. Các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế như Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ được đầu tư mạnh mẽ. Song song đó, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM) sẽ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.
Ngoài ra, cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ được nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp, tận dụng điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) cũng nằm trong định hướng phát triển, phục vụ đồng bằng sông Cửu Long khi điều kiện đầu tư chín muồi. Hệ thống này còn bao gồm các bến cảng khách quốc tế tại các khu vực có động lực phát triển du lịch, các bến cảng phục vụ khu kinh tế, khu công nghiệp và các huyện đảo, kết hợp mục tiêu kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 đến 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3%/năm.
Cảng biển đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng, giúp hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển đi khắp thế giới, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cảng biển cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí “cảng xanh”, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp và thúc đẩy tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển. Đây là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp triển khai chiến lược “xanh hóa” các cảng biển.
Theo tiêu chí “cảng xanh” được công bố, để đạt được công nhận này, các cảng biển phải đáp ứng nhiều yêu cầu, bao gồm việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, cũng như nhiên liệu thân thiện với môi trường như LNG, hydro, amoniac. Các cảng cũng cần ứng dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác, và chuyển sang sử dụng thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử…
Việc số hóa và xây dựng các cảng xanh là yêu cầu cấp thiết đối với các cảng biển Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đã có thể cung cấp các giải pháp số về quản lý và điều hành, thanh toán trực tuyến, xây dựng hệ sinh thái logistics. Mặc dù số hóa cảng biển tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua trong tương lai.
>> THILOGI của tỷ phú Trần Bá Dương mở đợt tuyển dụng quy mô lớn