Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024 của Tổng Công ty Khoáng sản (Vimico – MCK: KSV) cho biết trong năm vừa qua có 2 công ty của doanh nghiệp báo lỗ gồm CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) lỗ 160 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco) ghi nhận khoản lỗ hơn 42 tỷ đồng.
Không chỉ lỗ, vào cuối năm 2024, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu còn bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản để thi hành Thông báo tiền thuế nợ hơn 140 tỷ đồng. Lý do doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
CTCP Đất hiếm Lai Châu được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) – Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn.
Đất hiếm là một trong những loại khoáng sản quý hiếm, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin…
Lavreco hiện đang quản lý mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này là mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu). Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn.
Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp vốn và một số vướng mắc khác nên Dự án đang được điều chỉnh và tìm kiếm đối tác. Công ty đang báo cáo các cấp thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn và đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng, đối tác đầu tư để triển khai thực hiện dự án, thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện một số công tác chuẩn bị đầu tư khác.
Khoản lỗ của CTCP Đất hiếm Lai Châu đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả quản lý, khai thác và tận dụng lợi thế tài nguyên trong nước.
Trong khi các quốc gia khác đang đẩy mạnh đầu tư và sản xuất để nắm giữ thị phần đất hiếm toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khó khăn về công nghệ, thị trường và vốn, khiến dự án đình trệ và phải tìm kiếm đối tác mới. Đây không chỉ là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là vấn đề chiến lược của ngành tài nguyên khoáng sản Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.