Trải qua hành trình 30 năm (1995-2025), Vietnam Airlines luôn là “cầu nối”, là nơi “chuyên chở” những câu chuyện văn hóa đậm đà bản sắc, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Và tháng 4 này, trên bầu trời, sẽ xuất hiện những sải cánh rộng của biểu tượng chim Lạc đồng hành cùng Hãng Hàng không Quốc gia, khơi dậy những cảm xúc sâu lắng hướng về nguồn cội trong mỗi chúng ta.

Việc kết hợp chim Lạc với công nghệ hiện đại không chỉ tạo ra sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn lan tỏa rộng rãi những giá trị văn hóa cội nguồn dân tộc và hình ảnh một Việt Nam giàu đẹp đến với bạn bè quốc tế
Loài chim trong truyền thuyết
Từ thời xa xưa, chim Lạc được xem là biểu tượng của nước Âu Lạc (nay là Việt Nam) và được nhắc đến như một loài chim trong truyền thuyết. Hình ảnh loài chim nước lớn với đôi cánh sải rộng thường xuất hiện trên trống đồng và nhiều hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn.
Nhà sử học Đào Duy Anh là người đầu tiên đặt tên cho những cánh chim bay được chạm khắc trên mặt trống đồng là chim Lạc. Qua nhiều thập kỷ, hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn đã được phát hiện, củng cố giả thuyết của ông và nhiều nhà khoa học rằng hình tượng chim dang cánh bay trên trống đồng chính là chim Lạc – loài vật mang ý nghĩa biểu trưng và được coi là Vật Tổ của cư dân Đông Sơn.
GS-TS Trịnh Sinh cho rằng có thể căn cứ vào hình khắc trên trống đồng, để từng bước giải mã được về những con chim bay trên mặt trống, chúng đều mang đặc điểm: Mỏ dài, thẳng và nhọn. Trên đầu thường có chùm lông sau gáy, cổ cong và dài, khi bay thì cánh xòe rộng, thường lộ đôi chân thanh mảnh, có khi chân ngắn nhưng có khi chân được miêu tả dài quá cả phần đuôi… Với những điểm đặc biệt này, có thể phân loại theo khoa học thì chim thuộc bộ Hạc, một bộ có đến 112 loài và 5 họ. Chim họ Diệc lại có thể chia ra 31 loài như diệc, cò lửa, vạc, cò trắng… Vì thế, hình chim bay trên trống đồng có thể gọi là hạc, diệc, cò cũng đều đúng.
Về sự tồn tại của biểu tượng chim Lạc trong đời sống người Việt, TS Trần Hữu Sơn – Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng – cho rằng, chim Lạc đại diện cho thế giới dương, đối lập là hình ảnh cá sấu – đại diện cho thế giới âm. Vì thế, cặp biểu tượng chim và cá sấu, sau này được biến thể thành “chim – cá” trở thành biểu tượng rất quan trọng, và xuất hiện nhiều trong các nghi lễ tôn giáo của các dân tộc ở Việt Nam.
Kết nối thời gian và không gian
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cũng chia sẻ rằng hình tượng các loài chim như cò, hạc, diệc trên trống đồng Đông Sơn – thường được gọi chung là chim Lạc – vẫn xuất hiện phổ biến trong đời sống ngày nay. Hình ảnh chim Lạc được sử dụng rộng rãi trong logo, các tác phẩm nghệ thuật và nhiều sản phẩm khác, thể hiện giá trị bền vững của biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam.
Việc kết hợp chim Lạc với công nghệ hiện đại không chỉ tạo ra sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn giúp quảng bá hình ảnh một Việt Nam giàu đẹp đến với bạn bè quốc tế. Điều đó càng khẳng định sức sống mãnh liệt của chim Lạc – loài chim được xem là Vật Tổ của người Việt từ ngàn đời nay.
Với mong muốn lan tỏa rộng rãi những giá trị văn hóa cội nguồn dân tộc, Vietnam Airlines sẽ đưa hình ảnh cánh chim Lạc huyền thoại sải cánh trên bầu trời từ tháng 4 này. Đây không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong hành trình 30 năm phát triển của Hãng mà còn mang đến thông điệp về những bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên hội nhập và vươn xa.
Vietnam Airlines không chỉ là một hãng hàng không quốc gia mà còn đóng vai trò như một sứ giả văn hóa, kết nối Việt Nam với thế giới. Mỗi chuyến bay không chỉ đơn thuần là hành trình di chuyển mà còn mang theo câu chuyện về bản sắc dân tộc, niềm tự hào và khát vọng vươn lên của một Việt Nam đang không ngừng phát triển.
Chim Lạc, một lần nữa sẽ đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống đến với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Trên đôi cánh ấy, quá khứ và hiện tại hòa quyện, những âm hưởng của trống đồng Đông Sơn vọng về, hòa cùng nhịp đập với thời đại, thể hiện sự tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc.
Truyền cảm hứng về nguồn cội và niềm tự hào dân tộc
Bên cạnh biểu tượng bông sen truyền thống, sắp tới đây hành khách có thể bắt gặp trên những chuyến bay của Vietnam Airlines hình ảnh chim Lạc được thiết kế cách điệu với màu vàng trên nền xanh, có thể ví như mặt trời tỏa sáng trên không, sẽ tạo ấn tượng mạnh đối với hành khách trong nước và quốc tế. Một “điểm chạm” giữa truyền thống và hiện đại, là điều mà hành khách đều có thể cảm nhận được rõ nét mỗi khi đặt chân lên máy bay.

Từ tháng 4 này, hình ảnh chim Lạc – vừa quen thuộc, vừa mới mẻ – sẽ đồng hành cùng hành khách trên các chuyến bay, truyền cảm hứng về nguồn cội và niềm tự hào dân tộc
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Đặng Anh Tuấn, chia sẻ: “Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới mà còn khẳng định sứ mệnh của Vietnam Airlines trong việc tôn trọng lịch sử và gìn giữ giá trị văn hóa cho tương lai. Chúng tôi hi vọng rằng, từ tháng 4 này, hình ảnh chim Lạc – vừa quen thuộc, vừa mới mẻ – sẽ đồng hành cùng quý khách trên các chuyến bay, truyền cảm hứng về nguồn cội và niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, trong năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Vietnam Airlines – hãng Hàng không Quốc gia mong muốn lan tỏa ý nghĩa sâu sắc của biểu tượng này đến đông đảo hành khách.”
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cũng bày tỏ sự tương đồng giữa hình ảnh máy bay Vietnam Airlines và biểu tượng chim Lạc: “Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng với đôi cánh dang rộng, vươn mình về phía trước là một biểu tượng đẹp, dễ in sâu vào tâm trí hành khách. Điều này cũng giống như hình ảnh những “cánh chim xanh” của Vietnam Airlines, luôn vươn cao, bay xa, hướng đến một tương lai thịnh vượng.”