-
Công trình tọa lạc bên trong phân khu Central Park – khu đô thị Waterpoint, khánh thành hôm 15/12. Nhà hữu nghị Việt – Nhật thiết kế với nhiều khu vực, đáp ứng đa dạng công năng: nhà văn hóa, nhà hàng, khu triển lãm, các vườn tiểu cảnh mang đặc trưng hai nước. Nhà hữu nghị do Nam Long xây dựng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
-
Theo đơn vị, công trình đại diện cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia, cũng đánh dấu hành trình hợp tác gần một thập niên của Nam Long và các đối tác Nhật. Trong buổi khánh thành, các đại biểu tiến hành nghi thức đập rượu sake truyền thống của người Nhật Bản.
-
Không gian bên trong mang kiến trúc kiểu Nhật, hoàn thiện chủ yếu bằng gỗ. Bao bọc xung quanh là vườn tiểu cảnh với thảm cỏ, suối đá.
-
Khu vực lối đi bộ lát đá, trang trí bằng những bụi trúc đặc trưng làng quê Việt Nam.
-
Khuôn viên kết hợp nét văn hóa truyền thống hai nước. Nón lá được dùng để trang trí lối đi. Bên ngoài là những trụ cờ cá chép – loại cờ truyền thống của người Nhật, thường được treo trong những ngày lễ lớn.
-
Không gian triển lãm trưng bày nhiều vật phẩm đặc trưng như trang phục truyền thống của cả Việt Nam và Nhật Bản. Mỗi món đồ trưng bày đều có bảng thông tin song ngữ để khách tham quan dễ dàng tìm hiểu.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, công trình đi vào hoạt động đánh dấu cột mốc trong mối quan hệ hữu nghị, đồng thời làm phong phú thêm các hoạt động văn hoá trải nghiệm cho người dân địa phương, du khách. Người dân, du khách có thể tham quan miễn phí.
-
Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM, cho biết hai quốc gia có mối quan hệ tốt về chính trị, kinh tế và văn hóa. Việt Nam trở thành đối tác ngày càng quan trọng và bình đẳng của Nhật Bản.
“Tôi hy vọng nhà hữu nghị sẽ trở thành cửa ngõ để trải nghiệm văn hóa xứ mặt trời mọc, trung tâm giao lưu Nhật Bản – Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Masuo nói tại lễ khánh thành.
-
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch tập đoàn Nam Long đánh giá công trình mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng, thể hiện sự đồng hành của nhiều đối tác Nhật trong suốt hành trình phát triển đô thị Việt Nam.
“Công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa – du lịch cộng đồng hấp dẫn”, ông Quang kỳ vọng.