spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpNhững ẩn số trên đà phục hồi xuất khẩu gỗ nội thất

Những ẩn số trên đà phục hồi xuất khẩu gỗ nội thất

Xuất khẩu gỗ nội thất đang tăng tốt nhưng thị trường Mỹ khó đoán và cước tàu biển tăng là ẩn số cho đà phục hồi nửa cuối năm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Hải quan. Riêng sản phẩm gỗ ước tính hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5%. Cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất đều tăng trưởng dương.

“Xuất khẩu đã hồi phục trở lại”, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc công ty Sao Nam, chuyên sản xuất ván sàn cho biết. Theo bà Loan, khách hàng từ Nhật Bản đã quay lại như xưa, trong khi khách Mỹ có cải thiện.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nói các công ty đã có đơn hàng quý III, một số có đơn cho quý IV. “Đa số đánh giá đơn hàng đã phục hồi tốt hơn nhiều so với nửa cuối 2023”, ông cho biết.

Năm ngoái, ngành gỗ nội thất xuất khẩu 14,3 tỷ USD, giảm 15,8% so với 2022 và không đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD. Năm nay, ngành này đặt lại mục tiêu này trong bối cảnh các doanh nghiệp, chuyên gia lạc quan hơn về sức mua của thế giới.

Các diễn biến gần đây cũng cho thấy việc bán được gần 12 tỷ USD trong 7 tháng còn lại của năm sẽ không đơn giản, khi một số yếu tố khó đoán đang nổi lên.

Đầu tiên là sức mua của Mỹ, thị trường chiếm hơn một nửa kim ngạch. 5 tháng qua, nước này chi hơn 3,33 tỷ USD mua gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, tăng 26%. Ngoài khả năng Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể giảm lãi suất vào tháng 9, giúp kích cầu tiêu dùng và bất động sản, các dữ liệu mua sắm chưa nhiều tích cực.

Theo thông tin công bố tuần trước của hãng nghiên cứu thị trường GlobalData, chi tiêu cho các mặt hàng liên quan đến không gian sống trong quý I như đồ gia dụng, nội thất và cải tạo nhà cửa lần lượt giảm 4,2%, 6,8% và 4,1% so với cùng kỳ 2023.

Cùng với đó, cước tàu biển gần đây tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 tại một số tuyến Việt Nam đi quốc tế, do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột. Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết hiện nay, đa số doanh nghiệp xuất khẩu FOB, tức người mua trả tiền vận chuyển. Tuy nhiên, giá cước tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc khách hàng cân nhắc có nên tiếp tục đặt đơn những tháng cuối năm hay không.

Kết hợp giữa xu hướng tiêu dùng thị trường Mỹ và giá cước, triển vọng đà phục hồi đơn hàng cuối năm khó đoán hơn. “Nếu nhu cầu thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng tốt, nhà nhập khẩu mới tính toán đủ lời để chịu phí cước tăng và tiếp tục đặt hàng cho mùa cuối năm. Đó là một ẩn số”, ông Khanh nói.

“Lò nướng ngoài trời, bàn ghế sân vườn, TV, sofa, giường, tất cả đều gặp chút khó khăn gần đây”, nhà phân tích Joseph Feldman của Telsey Advisory nhận định trên Reuters. Đến quý I, doanh số của Home Depot – chuỗi bán lẻ thiết bị nhà cửa lớn nhất ở Mỹ đã giảm 3 quý liên tiếp, do khách hàng vật lộn với lãi suất thế chấp và lạm phát cao. Đầu năm đến nay, cổ phiếu công ty giảm 3,6%.

  • Một gian hàng trưng bày đồ nội thất của doanh nghiệp tại hội chợ ở TP HCM. Ảnh: Hawa

Cả nhà sản xuất lẫn nhập hàng đang có những động thái xoay sở để duy trì sức mua trong bối cảnh khó lường. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho hay, các đơn hàng đi Mỹ phục hồi về sản lượng tính theo container nhưng giá trị giảm.

“Trước đây, khách Mỹ đặt ván dày 21 mm, nay đặt mỏng hơn, chỉ 15 mm. Hay như khách Nga xưa mua ván có phần lót gỗ ép 15 mm và ván phủ 6 mm thì nay độ dày tổng cộng cũng chỉ 15 mm để rẻ tiền hơn”, bà Loan ví dụ.

Ngoài thay đổi quy cách theo nhu cầu khách hàng quốc tế để phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, công ty bà Loan còn quay về tìm kiếm cơ hội ở thị trường nội địa. Gần đây, họ phát triển ra loại ván sàn với lớp lót làm bằng bột đá thay cho ván ép, bề mặt phủ 2 mm veneer (gỗ tự nhiên được lạng mỏng).

Vì chi phí bột đá rẻ hơn ván ép nên giá thành của loại ván mới thấp hơn dòng truyền thống. Sản phẩm này đã tìm được vài khách hàng dự án đầu tiên, trong đó có một chung cư phân khúc trung – cao cấp đặt 10.000 m2 sàn ở Hà Nội. Bà Loan định mở thêm đại lý ở miền Tây và miền Trung để tiếp cận phân khúc nhà ở gia đình. “Lúc này, mình phải làm những sản phẩm hợp túi tiền để thích nghi”, bà nói.

Trong khi đó, phía Hawa đã bắt đầu chuẩn bị cho hội chợ của ngành vào năm sau – HawaExpo 2025, dự kiến diễn ra đầu tháng 3, khi thấy hiệu quả của phương thức xúc tiến thương mại này. Năm nay, sự kiện đã diễn ra đón được hơn 20.000 khách từ 110 thị trường. Ban tổ chức cho biết 75% nhà triển lãm đã kí thành công đơn hàng với tổng giá trị 150 triệu USD.

Theo ông Khanh, việc tổ chức hội chợ lớn tại Việt Nam rất quan trọng. Cách này giúp tìm thêm đơn hàng một cách tiết kiệm chi phí, có cơ hội phô diễn kỹ thuật và trình độ thiết kế của nhà sản xuất nội địa. “Các nhà mua hàng quốc tế trực tiếp đến Việt Nam tìm đối tác nhiều hơn nên cần tận dụng xu hướng này”, ông nói.

Viễn Thông

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây