Ngày 18/2, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre (Thụy Điển) cho biết, tập đoàn đang quan tâm đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh, với tổng vốn dự kiến từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Tim King bày tỏ lo ngại về nguồn nguyên liệu đầu vào khi nhu cầu của nhà máy ước tính khoảng 300.000-400.000 tấn/năm, trong khi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 40.000-60.000 tấn. Phần lớn nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu là quần áo và vải vóc đã qua sử dụng (mã HS 6309), nhưng, theo Thông tư 08/2023 của Bộ Công Thương, mặt hàng này thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Ngoài ra, Tập đoàn Syre cũng quan tâm đến vấn đề đảm bảo nguồn điện ổn định để vận hành nhà máy với công suất lớn trong dài hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững. Về vấn đề nhập khẩu nguyên liệu tái chế, ông cho biết quy định có thể được Trung ương xem xét điều chỉnh nếu nhà đầu tư chứng minh được năng lực tài chính, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế tuần hoàn và cam kết bảo vệ môi trường.
“Khi Tập đoàn Syre đáp ứng các tiêu chí này và thể hiện quyết tâm đầu tư tại Bình Định, chắc chắn Chính phủ sẽ ủng hộ và tỉnh sẽ đồng hành để triển khai dự án nhanh nhất có thể”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về nguồn điện, lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của tập đoàn, cả về sản lượng lẫn giá thành.
Đáp lại, ông Tim King cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm sản xuất sợi polyester tái chế đạt tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Việt Nam. Tập đoàn Syre cũng đã chuẩn bị phương án tài chính cho dự án và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Định để nhanh chóng hiện thực hóa kế hoạch đầu tư.
Tập đoàn Syre được thành lập năm 2023, định hướng chuyển đổi chuỗi giá trị từ hệ thống tuyến tính sang hệ thống tuần hoàn bằng cách tận dụng chất thải dệt để sản xuất polyester tái chế chất lượng cao.