spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpÔng Lê Viết Hiếu: Xây dựng Hòa Bình đã trúng thầu 8.000...

Ông Lê Viết Hiếu: Xây dựng Hòa Bình đã trúng thầu 8.000 tỷ đồng, chắc chắn không có rủi ro về việc dừng hoạt động

Lãnh đạo Hòa Bình cho biết đã "thay máu" mô hình quản lý công ty, cùng với đó đã trúng thầu dự án lớn của các chủ đầu tư uy tín, do đó công ty đảm bảo vận hành liên tục.

Chiều ngày 25/4, Đại hội đồng Cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) diễn ra.

Tại Đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về công tác quản trị rủi ro của Hòa Bình và kế hoạch để đảm bảo hoạt động liên tục trong giai đoạn sắp tới.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch Hòa Bình, cho biết để kiện toàn công tác quản trị rủi ro, Hội đồng quản trị cũng trình Đại hội cổ đông về thay đổi mô hình tổ chức và quản lý hoạt động công ty.

Mô hình quản lý hoạt động công ty mới sẽ chuyển từ mô hình kiểm soát nội bộ Ủy ban kiểm toán sang Mô hình Ban Kiểm soát. 2 mô hình này khác nhau về chức năng và đơn vị trực thuộc. Ban Kiểm soát sẽ thuộc sự quản lý của đại hội cổ đông, nằm trên cả Hội đồng quản trị để quản lý lại các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Còn Ủy ban kiểm toán sẽ thuộc Hội đồng quản trị và kiểm soát các hoạt động của công ty.

“Như vậy sẽ có thêm một lớp để kiểm soát các hoạt động nội bộ của công ty và báo cáo trực tiếp cho đại hội cổ đông. Mô hình Ban kiểm soát này chúng tôi tin sẽ mang lại sự minh bạch hơn, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và mang tới cái nhìn thực sự khách quan, hỗ trợ cho cả cho cổ đông và Hội đồng quản trị và kiện toàn lại hệ thống và bộ máy”, ông Hiếu cho biết.

Ngoài ra, về các hoạt động, về quản lý rủi ro, ông Hiếu cho biết Hòa Bình đã trúng thầu những dự án của các chủ đầu tư như lớn Hoàng Huy, Gamuda, BRG, Đất Xanh… ở Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và có cả Bình Dương. Đây là những bước đi rất cụ thể về việc hạn chế rủi ro khi triển khai dự án tập trung ở thành phố lớn, có nhu cầu ở thực, với những khách hàng uy tín trên thị trường.

“Việc hoạt động liên tục, theo tôi đánh giá thì không có rủi ro về việc công ty có thể bị dừng hoạt động. Vì từ tháng 10/2024 cho tới tháng 4 năm nay, chúng ta đã trúng thầu được hơn 8.000 tỷ đồng. Có nghĩa là dòng tiền của chúng ta đang có sự cải thiện vượt bậc và không có rủi ro về việc dừng hoạt động trong cái giai đoạn sắp tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Lê Viết Hiếu: Xây dựng Hòa Bình đã trúng thầu 8.000 tỷ đồng, chắc chắn không có rủi ro về việc dừng hoạt động- Ảnh 1.

Một giải pháp khác để củng cố dòng tiền, theo ông Lê Viết Hiếu, đó là phần thu hồi nợ của Hòa Bình, đặc biệt là nợ khó đòi, quá hạn. Trong 620 tỷ đồng hiện có 190 tỷ đồng thu hồi bằng tài sản. Với phần tài sản này, Hòa Bình đang chủ động làm việc với các đơn vị môi giới và các khách hàng để bán ra thị trường, củng cố lại dòng tiền.

“Giá bán Hòa Bình hiện tại bán ra tương đối tốt so với lúc mà Hòa Bình nhận lại từ chủ đầu tư. Vì thị trường bây giờ cũng đã cải thiện so với lúc lúc trước, cho nên có thể cải thiện dòng tiền cũng như lợi nhuận trong năm 2025 từ phát mãi tài sản nhận được từ chủ đầu tư”, ông Hiếu cho hay.

Ngoài ra, Hòa Bình đang chú trọng việc tăng hiệu suất lao động và giảm chi phí quản lý doanh nghiệp để vừa tăng doanh thu và vừa giảm tiền chi phí. “Chắc chắn trong năm 2025, Hòa Bình không có rủi ro về hoạt động liên tục”, ông Hiếu tiếp tục khẳng định.

Năm 2024, Hòa Bình đạt doanh thu thuần 6.421 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch và giảm 15% so với năm 2023, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lên đến 959 tỷ đồng, vượt qua cả giai đoạn đỉnh cao năm 2017.

Đặc biệt, vốn chủ sở hữu tăng trưởng từ 93 tỷ đồng lên 1.748 tỷ đồng, gấp 18 lần so với đầu năm. Từ tháng 11/2024 tới nay, Hòa Bình bắt đầu khởi sắc với việc trúng thầu 14 dự án, tổng giá trị hơn 8.500 tỷ đồng.

Năm 2025, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tối đa 347 triệu cổ phiếu, tổng giá trị dự kiến 3.470 tỷ đồng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật