Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) là một dự án của Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group), được định hướng phát triển theo mô hình “thung lũng Silicon” của Mỹ và tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng.
Tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, do Công ty CP Trung Nam EMS làm chủ đầu tư.
Danang IT Park có quy mô 341ha, nằm ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á, cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất cho thế giới, nơi làm việc lý tưởng cho 25.000 người, bao gồm các chuyên gia, kỹ sư cao cấp và công nhân, trở thành đô thị vệ tinh vùng tây bắc của Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống.
Tuy nhiên, dự án có tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này đang đình trệ, rơi vào tình trạng đìu hiu. Khu biệt thự phục vụ chuyên gia và công viên sinh thái nằm trong dự án Danang IT Park cũng bỏ hoang.
Chủ đầu tư Danang IT Park làm ăn thế nào?
Chủ đầu tư dự án Danang IT Park là CTCP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP).
DITP được biết đến là một công ty liên quan tới Trung Nam Group. Đây là tập đoàn đa ngành do 2 anh em ông Nguyễn Tâm Tiến và Nguyễn Tâm Thịnh cùng gây dựng. Hiện ông Nguyễn Tâm Thịnh là Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến là Tổng Giám đốc Trung Nam Group.
Trong bản công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu gần đây, DITP ghi nhận địa chỉ thư điện tử có đuôi là trang web của Trung Nam Group.
Trên trang web của mình, Trung Nam Group cũng giới thiệu là chủ đầu tư của Danang IT Park.
Ngày 22/7, đại diện theo pháp luật của DITP, ông Nguyễn Tâm Tiến, công bố thông tin phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 30 tháng, trị giá 500 tỷ đồng, lãi suất 0%, đáo hạn vào ngày 16/1/2027.
Sức khỏe Trung Nam Group ra sao?
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được thành lập từ năm 2004, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Đây là một doanh nghiệp đi lên từ mảng xây dựng hạ tầng, sau đó đầu tư sang bất động sản và thủy điện, gần đây là lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió. Một số dự án lớn như điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, điện gió Ea Nam, điện gió Trung Nam – Trà Vinh…
Trung Nam Group có lịch sử hoạt động 20 năm nhưng phát triển rất mạnh, tăng trưởng thần tốc trong khoảng gần 10 năm qua và hiện có quy mô khổng lồ, lên tới nhiều tỷ USD giá trị tài sản.
Tính tới cuối năm 2022, Trung Nam Group có tổng tài sản lên tới 96.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 3,8 tỷ USD, tính theo tỷ giá hiện tại), cao gần gấp rưỡi so với quy mô tài sản tính tới cuối quý II/2024 của Tập đoàn FPT và cao gấp khoảng 1,8 lần so với Vinamilk (VNM).
Vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group đạt hơn 27.900 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).
Sở dĩ Trung Nam Group có tốc độ tăng trưởng về quy mô nhanh như vậy bởi trong thập kỷ vừa qua tập đoàn này dồn dập đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, cần nguồn vốn rất lớn để có thể thực hiện các dự án.
Trên trang web, Trung Nam Group cho biết, đến tháng 10/2021 đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.
Thống kê cho thấy, tập đoàn này có 9 dự án điện với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 dự án lớn là điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (1,2 tỷ kWh) và điện gió Ea Nam (1,1 tỷ kWh/năm).
Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam do CTCP Cơ giới Trung Nam Miền Nam – Trungnam SMC (thành lập năm 2013) thực hiện. Đây là một thành viên của Trung Nam Group.
Dự án điện gió Ea Nam được xem là dự án trọng điểm của Trung Nam Group trong năm 2021 bởi quy mô rất lớn. Trungnam SMC là đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển và lắp đặt 84 trụ gió bằng 20 team cần trục chính từ 750-1250 tấn.
Đi cùng với việc tăng vốn, Trung Nam Group được biết đến là một tập đoàn vay nợ rất lớn, trong đó có kênh ưa thích là trái phiếu.
Tính tới cuối năm 2022, theo báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung Nam Group có tổng nợ phải trả lên tới hơn 68.100 tỷ đồng (tương đương hơn 2,7 tỷ USD). Tổng nợ trái phiếu khoảng 24.270 tỷ đồng.
Trong khoảng 2 năm qua, nhóm Trung Nam nhiều lần xin gia hạn, chậm trả nợ trái phiếu liên quan các dự án năng lượng tái tạo. Kết quả kinh doanh của nhóm sa sút.
Hồi tháng 5 năm nay, ông Nguyễn Tâm Thịnh bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Sau đó, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh với ông Thịnh.
Một đơn vị thành viên của Trung Nam Group là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã từng có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Chính phủ trước nguy cơ xảy ra sự cố và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam. Doanh nghiệp này thời điểm đó chưa thể đàm phán với EVN để tăng doanh thu từ nguồn phát điện, trong khi phải trả lãi ngân hàng.
Trong năm 2022, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam báo lợi nhuận sau thuế giảm 80% so với năm trước đó xuống còn 81 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 11/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) công bố thông tin về việc chậm thanh toán khoản lãi đến hạn gần 107 tỷ đồng cho một lô trái phiếu có tổng trị giá 2.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, chỉ còn 255 tỷ đồng, so với mức 1.635 tỷ đồng trong năm 2021.
Nhiều đơn vị thành viên khác của Trung Nam Group cũng gặp khó. CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam quy mô 600ha) nửa đầu năm 2023 lỗ 390 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 858 tỷ đồng năm 2022. Doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng nợ chậm trả lãi trái phiếu. Điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, Trung Nam Ninh Thuận…. đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận so với năm liền trước.