Plus Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Plus, là một trong những doanh nghiệp Nhật đầu tiên rót vốn vào thị trường Việt Nam, từ năm 1995. Sau 30 năm, doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất văn phòng phẩm, tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động Việt. Các sản phẩm văn phòng như băng xóa, băng dính, bìa lưu hồ sơ, đồ bấm, kim bấm sản xuất tại hai nhà máy ở Đồng Nai xuất đi hàng chục thị trường quốc tế, mang về doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập công ty, ông Tadahisa Imaizumi có buổi chia sẻ với VnExpress về hành trình, định hướng của công ty Plus Việt Nam cũng như những ấn tượng về nguồn nhân lực Việt.
– Plus là một trong những doanh nghiệp Nhật đầu tiên rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam ở thế kỷ 20. Vì sao đơn vị lại đưa ra quyết định này?
– Cách đây 30 năm, doanh nghiệp Nhật nếu có ý định mở rộng sản xuất sang nước ngoài sẽ chú ý đến Trung Quốc. Tuy nhiên, với một đơn vị hoạt động trong ngành văn phòng phẩm, triết lý của Plus là phải tạo sự khác biệt, đặc trưng. Vì vậy để đổi mới, đồng thời giảm sự cạnh tranh lẫn nhau, chúng tôi tìm kiếm một thị trường khác, tiềm năng và có nhiều cơ hội hơn.
Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, lại rất cần cù. Họ có tay nghề cao và cũng thích nghi, chịu học hỏi với những dây chuyền mới. Đây là yếu tố giúp chúng tôi có thể tạo ra những sản phẩm mang chất lượng Nhật bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
- Ông Tadahisa Imaizumi – Chủ tịch Tập đoàn Plus (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng
– Ngoài việc hạn chế cạnh tranh, thị trường Việt có điểm gì hấp dẫn với ông lớn Nhật Bản?
– Trước đây, cơ sở hạ tầng Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, chính sách cho nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI cũng chưa cởi mở như hiện tại. Tuy nhiên, có một điểm khiến tôi vô cùng ấn tượng: con người. Nhân sự Việt có sự cần cù, tinh thần học hỏi cao. Phẩm chất này góp phần hỗ trợ chúng tôi đưa mô hình nhà máy chuẩn Nhật – vốn yêu cầu cao về chất lượng, sang Việt Nam. Cùng mô hình này nếu đưa sang quốc gia khác chưa chắc đã thành công.
– Khó khăn lớn nhất tại thị trường này là gì?
– Ba thập niên qua có rất nhiều thử thách. Lớn nhất chắc chắn là dịch Covid-19 khi nhà máy đóng cửa ba tháng. Khi đó, khách hàng chuyển sang dùng thương hiệu khác, lấy hàng từ bên khác. Mở cửa trở lại, chúng tôi mất nhiều khách hàng cũ, đơn mới cũng hạn chế. Đến nay, ảnh hưởng vẫn còn âm ỉ.
Nhưng bất cứ doanh nghiệp nào cũng có những “cơn bão” cần phải vượt qua. Việc chúng tôi xác định là phải nhanh nhất khôi phục sản xuất, nghiên cứu giảm giá thành sản phẩm. Lý do là chúng tôi chuyển đổi số, tự động hóa diện rộng để kiểm soát chất lượng, giảm sai sót và nâng cao năng suất. Những nỗ lực này giúp chúng tôi lấy lại được những khách hàng đã rời đi.
– Vượt qua những “cơn bão”, đơn vị đạt được gì?
– Thời gian đầu, chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất phục vụ xuất khẩu. Nhưng với dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam cũng là mảnh đất màu mỡ cho thị trường văn phòng phẩm. Từ 2007, chúng tôi đã triển khai thêm dây chuyền sản xuất cho thị trường trong nước. Doanh thu từ thị trường Việt Nam đến nay khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 15% tổng doanh thu.
Chúng tôi hiện có hai nhà máy tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 và Biên Hòa 2. Số lượng nhân sự hiện tại đã tăng gần 100 lần so với thời điểm mới bắt đầu. Hàng hóa của Plus có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Bắc Mỹ…
- Ông Tadahisa Imaizumi – Chủ tịch Tập đoàn Plus (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng
- Lãnh đạo tập đoàn Plus kiểm tra dây chuyền sản xuất. Ảnh: Plus
– Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự chuyển đổi theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ để thích nghi điều kiện chung. Plus Việt Nam làm gì để bắt kịp những xu hướng này?
– Đây là chuyển động chung của thị trường và gần như bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng để cạnh tranh trong giai đoạn mới. Thực tế, chúng tôi đã nghiên cứu để ứng dụng AI, tự động hóa vào quy trình, dây chuyền sản xuất hướng đến mô hình smart factory – nhà máy thông minh.
Đơn cử như phần mềm ERP đã được sử dụng để quản lý vận hành. Đến nay chúng tôi có thêm AI để tham gia vào quá trình giám sát, kiểm soát chất lượng. Mỗi dây chuyền giờ đều có một màn hình để hiển thị real-time năng lực sản xuất. Dựa vào đây chúng tôi biết được mỗi dây chuyền đã sản xuất được bao nhiêu, có lỗi hay sự cố gì phát sinh, đang nhanh hơn hay chậm hơn tiến độ. AI sẽ giúp đánh giá tất cả điều này và hỗ trợ ra quyết định. Tháng 11 năm ngoái khi sang Việt Nam, nhà máy vẫn chưa có những điều này nhưng chỉ sau 6 tháng, công nghệ đang thay đổi cách chúng tôi sản xuất theo cách nhanh – hiệu quả hơn.
– Với việc ứng dụng công nghệ, mục tiêu giai đoạn 5 năm tới của doanh nghiệp là gì?
– Sau 30 năm hoạt động, chúng tôi đang hướng đến một kỷ nguyên mới với tốc độ phát triển nhanh hơn. Có ba mục tiêu chính chúng tôi đặt ra.
Đầu tiên là tăng doanh thu từ nội địa. Hiện tại, doanh thu từ thị trường Việt mới chiếm 15%. Chúng tôi đặt mục tiêu con số lên 20-30%. Trước đây, chúng tôi sản xuất cho thị trường Nhật là chủ yếu với những sản phẩm có thiết kế, công năng theo thói quen, nhu cầu của người Nhật và đem bán nó cả cho Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những sản phẩm dành riêng cho người Việt.
Để làm được, chúng tôi đẩy mạnh khâu AI trong sản xuất. AI sẽ tham gia quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu người dùng về thói quen, nhu cầu từ đó đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.
Trọng tâm thứ hai là mảng sản xuất nội thất văn phòng. Việt Nam đang là thị trường cởi mở với tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Điều này kéo theo nhu cầu rất lớn trong mảng office khi nhiều doanh nghiệp cần mở văn phòng ở nhiều quy mô. Do đó, mảng nội thất chúng tôi nhận thấy rất tiềm năng và sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. Đây cũng là một chiến lược thử thách để đa dạng hóa sản phẩm.
Thứ ba là tận dụng nguồn lực tổng hợp từ Tập đoàn Plus Nhật Bản. Tập đoàn hiện có nhiều mảng sản xuất ở các quốc gia khác nhau. Chúng tôi sẽ tận dụng các thương hiệu khác nhau của tập đoàn để mở rộng đơn hàng, phát triển đến những thị trường mới.
- Ông Tadahisa Imaizumi – Chủ tịch Tập đoàn Plus (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng
- Lãnh đạo tập đoàn Plus kiểm tra dây chuyền sản xuất. Ảnh: Plus
- Lễ trao học bổng của Công ty Plus Việt Nam cho sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Plus
– Đúc kết lại, sau 30 năm hoạt động, theo ông, đâu là những yếu tố có thể giúp một doanh nghiệp FDI hoạt động lâu dài tại Việt Nam?
– Đây là góc nhìn cá nhân của tôi. Chìa khóa là môi trường làm việc. Doanh nghiệp hoạt động ở một quốc gia khác cần cố gắng khai mở môi trường làm việc để làm sao tận dụng hết tiềm năng của nguồn nhân lực, thúc đẩy sự đổi mới trong lao động. Với người Nhật, chúng tôi luôn có cái nhìn tích cực với con người Việt Nam và cũng không gặp khó khăn trong giao tiếp. Họ luôn hiểu rõ yêu cầu của chúng tôi từ đó có cách ứng dụng sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Xác định tầm quan trọng của nhân lực là chìa khóa để hoạt động bền vững. Đó là lý do hơn 12 năm qua, chúng tôi có quỹ học bổng dành riêng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Từ đầu năm nay, chúng tôi cũng hợp tác với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM để trao thêm những suất học bổng đào tạo nhân sự chất lượng cao.
Hoài Phương