spot_img
35 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpPMI tháng 4 lao dốc về đáy gần 2 năm

PMI tháng 4 lao dốc về đáy gần 2 năm

Dù PMI tháng 4/2025 lao dốc mạnh về đáy gần hai năm, đà hạ nhiệt của chi phí đầu vào và giá nguyên liệu có thể hé mở một “cửa sổ hy vọng” cho thị trường trong bối cảnh đơn hàng co rút và bão thuế quan vừa ập đến.

Sau ba tháng liên tiếp giằng co quanh mốc 50 điểm, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global Market Intelligence công bố ngày 5/5 đã rơi mạnh từ 50,5 điểm trong tháng 3 xuống chỉ còn 45,6 điểm trong tháng 4/2025.

Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023 và phản ánh mức độ suy yếu rõ rệt nhất của ngành sản xuất trong vòng 11 tháng. Kết quả khảo sát được thực hiện với 400 doanh nghiệp từ ngày 09 đến 22/4 – đúng vào thời điểm Mỹ chính thức áp dụng biện pháp thuế quan bổ sung lên hàng hóa từ Việt Nam, kéo theo sự sụt giảm đồng loạt ở tất cả các cấu phần chính của chỉ số PMI.

PMI tháng 4 lao dốc về đáy gần 2 năm

PMI Việt Nam tháng 4/2025 rơi xuống đáy gần hai năm: Cảnh báo suy giảm mạnh trong sản xuất. Nguồn: S&P Global. Biểu đồ: Thanh Liêm.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence: “Việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng”. Đồng thời, ông cho rằng: “Khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm và trở thành một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận”.

Đơn hàng lao dốc, việc làm suy yếu

Tháng 4/2025 đánh dấu sự đảo chiều rõ rệt trong chuỗi vận động đơn hàng của ngành sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng mới ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm, xóa tan kỳ vọng phục hồi mong manh hồi tháng 3. Đáng lo ngại hơn, số đơn hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ sáu liên tiếp và đạt mức suy giảm nhanh nhất kể từ tháng 6/2023. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy cú sốc thuế quan từ Mỹ đã ngay lập tức tác động đến sức cầu quốc tế, vốn là động lực cốt lõi của ngành sản xuất Việt Nam.

Kéo theo đó, sản lượng cũng sụt giảm trở lại sau một tháng ngắn ngủi ghi nhận tăng trưởng. Mức giảm sản lượng trong tháng 4 được đánh giá là nhanh nhất kể từ tháng 1/2023, cho thấy các doanh nghiệp đã nhanh chóng phản ứng trước sự đi xuống của đơn hàng và môi trường thương mại bất lợi. Thay vì tiếp tục vận hành ở mức cao, nhiều nhà sản xuất lựa chọn thu hẹp quy mô để bảo toàn nguồn lực và hạn chế rủi ro dư thừa công suất.

Đồng thời, sự lao dốc của đơn hàng và sản lượng đã kéo theo đà cắt giảm việc làm ngày càng sâu. Tháng 4 là tháng thứ bảy liên tiếp ngành sản xuất chứng kiến tình trạng giảm việc làm, với tốc độ giảm nhanh nhất trong vòng ba năm rưỡi. Lượng công việc tồn đọng không còn đủ để duy trì đội ngũ lao động hiện có, khiến các doanh nghiệp buộc phải tinh giản nhân sự ngay cả khi kỳ vọng hồi phục vẫn còn mờ nhạt.

Mua hàng co lại, tồn kho xuống đáy

Tình trạng nhu cầu giảm mạnh đã buộc các doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh chiến lược nhập hàng và tồn kho. Theo dữ liệu từ S&P Global, hoạt động mua hàng hóa đầu vào trong tháng 4/2025 giảm tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023. Điều này phản ánh sự chuyển dịch từ tâm thế tích cực sang phòng thủ, khi các nhà quản lý chuỗi cung ứng cố gắng hạn chế lượng vốn bị khóa trong hàng tồn.

Tồn kho hàng mua cũng giảm mạnh, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024. Thay vì dự trữ nguyên vật liệu cho các đơn hàng tiềm năng, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng tồn hiện có và tối ưu hóa dòng tiền ngắn hạn. Đây là chiến lược điển hình trong giai đoạn thị trường không chắc chắn, khi ưu tiên hàng đầu là thanh khoản hơn là mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thời gian giao hàng của nhà cung cấp chỉ kéo dài nhẹ và đang ở mức chậm nhất trong tám tháng qua. Mặc dù có một số phản ánh về tình trạng trễ hạn do thiếu phương tiện vận chuyển, chuỗi cung ứng vật lý nhìn chung vẫn đang vận hành ổn định, không xuất hiện tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng như lo ngại ban đầu.

Một điểm tích cực là chi phí đầu vào đã hạ nhiệt. Theo S&P Global, tốc độ tăng giá nguyên vật liệu trong tháng 4/2025 là yếu nhất kể từ khi chuỗi tăng giá bắt đầu vào tháng 8/2023. Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi phí dầu và vận tải quốc tế đã bắt đầu giảm, giúp giảm áp lực nhập khẩu và cải thiện tiềm năng hồi phục biên lợi nhuận gộp trong quý II–III.

Giá bán giảm sâu, kỳ vọng mở cho chính sách

Thị trường tiêu dùng toàn cầu suy yếu đã buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục hạ giá bán để giữ vững khách hàng. Tháng 4 là tháng thứ tư liên tiếp giá bán sản phẩm giảm, với mức giảm mạnh nhất trong vòng 21 tháng. Dù tác động tiêu cực lên lợi nhuận ngắn hạn, xu hướng giảm giá này lại có thể góp phần ổn định kỳ vọng lạm phát – yếu tố then chốt tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong nửa cuối năm.

Trong bối cảnh đó, tâm lý kinh doanh suy yếu và lạm phát được kiềm chế, các công cụ như tăng tín dụng ưu đãi hoặc tái cơ cấu dòng vốn được kỳ vọng sẽ được triển khai với cường độ mạnh hơn. Đây cũng là một trong những chiến lược hỗ trợ kịp thời cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng từ biến động thương mại.

Tuy vậy, đối với giới đầu tư tài chính, chỉ số PMI không đơn thuần là một tín hiệu kỹ thuật mà là chỉ báo dẫn đường cho chu kỳ lợi nhuận. Việc định giá lại cổ phiếu và kỳ vọng dòng tiền quay trở lại chỉ thực sự có cơ sở khi đơn hàng ổn định trở lại, sản lượng phục hồi và chi phí đầu vào kiểm soát được. Khi đó, các nhóm ngành nhạy với chu kỳ kinh tế như logistics, công nghiệp phụ trợ, nguyên vật liệu và bất động sản khu công nghiệp sẽ là tâm điểm của chiến lược phân bổ mới.

Theo ông Andrew Harker: “Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào”. Đây là cảnh báo không chỉ dành cho doanh nghiệp sản xuất mà còn là lời nhắc nhở cho mọi nhà đầu tư đang tìm kiếm tín hiệu sớm từ nền kinh tế thực.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật