spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpQuảng Nam 'dọn tổ' đón 'đại bàng' đến đầu tư cảng biển,...

Quảng Nam ‘dọn tổ’ đón ‘đại bàng’ đến đầu tư cảng biển, sân bay

Ngoài cảng biển, sân bay, Quảng Nam cũng kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đến các dự án giao thông huyết mạch.

Ngày 17/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Tại đây, ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho biết, dự án Hoiana có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, với diện tích gần 1.000ha. Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, bao gồm 125ha, với 4 khách sạn 5 sao quốc tế (tổng cộng 1.200 phòng), một sân golf và một khu casino đạt chuẩn quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoiana đã đóng góp 396 tỷ đồng vào ngân sách, chiếm 55% tổng thu từ các doanh nghiệp FDI tại Quảng Nam.

“Chúng tôi đặt mục tiêu biến Quảng Nam và Hoiana thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, cạnh tranh với các thị trường lớn như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Hoiana sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan liên quan để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của tỉnh Quảng Nam”, ông Steve Wolstenholme nhấn mạnh.

Ông cũng đề xuất tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai các giai đoạn đầu tư mới, mở rộng dự án theo định hướng ban đầu, đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện để đảm bảo tiến độ phù hợp với tình hình thực tế. Ông còn kêu gọi chính quyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Quảng Nam 'dọn tổ' đón 'đại bàng' đến đầu tư cảng biển, sân bay
Tỉnh Quảng Nam làm việc với các doanh nghiệp

>> Nhiều tập đoàn lớn muốn rót vốn đầu tư vào sân bay 11.000 tỷ tại Quảng Nam

Ông Park Chan, Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Quảng Nam, cho biết vào năm 2019, Hyosung đã triển khai dự án sản xuất sợi vải mành cho lốp xe và vải túi khí trên diện tích 19 ha tại KCN Tam Thăng. Đến nay, công ty đã đầu tư tổng cộng 450 triệu USD và đạt doanh thu hàng năm 180 triệu USD.

Tuy nhiên, việc mở rộng KCN Tam Thăng vẫn chưa hoàn tất công tác bồi thường đất đai, dẫn đến việc Hyosung chưa thể ra quyết định đầu tư tiếp theo. Một số diện tích đất đã được bồi thường nhưng vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, khiến Hyosung chưa thể ký hợp đồng thuê đất. Ông Park Chan đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết vấn đề bồi thường đất đối với đất 5% và đất nông nghiệp, đồng thời hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan đến bàn giao đất.

Ông cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam sớm quyết định giá thuê đất đối với một số diện tích đã hoàn tất bồi thường tại KCN Tam Thăng mở rộng, để Công ty Hyosung có thể tiến hành ký hợp đồng thuê đất.

KCN Tam Thăng mở rộng đã được UBND tỉnh thống nhất bổ sung thêm các ngành nghề đa dạng bên cạnh các ngành đã đăng ký trước đây nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể đầu tư vào KCN Tam Thăng mở rộng, cần phải có đánh giá tác động môi trường đối với các ngành đầu tư bổ sung. Quy trình này phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh và phê duyệt.

Ông Park Chan lo ngại rằng quy trình đánh giá này có thủ tục phức tạp và dự kiến sẽ mất nhiều thời gian xem xét, tham vấn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch đầu tư của Hyosung.

Ngoài ra, ông Park Chan cũng đề nghị cho phép Công ty Hyosung tiếp tục xử lý nước thải theo quy trình hiện hành và tái sử dụng nước thông qua nhà máy RTS trong các dự án đầu tư mới tại KCN Tam Thăng mở rộng.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cam kết chính quyền tỉnh sẽ tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư.

“Tỉnh Quảng Nam sẽ đồng hành một cách quyết liệt với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Chúng tôi cam kết xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Luật Đất đai mới và các sở ngành đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản cụ thể để triển khai luật này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đề xuất Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư vào cảng biển Kỳ Hà và sân bay Chu Lai, đồng thời nâng cấp Quốc lộ 14D – tuyến đường huyết mạch thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến các cảng biển khu vực miền Trung.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cấp mới 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 134,85 triệu USD. Trong cùng thời gian, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 983 tỷ đồng tiền thuế và tạo việc làm cho 57.000 lao động địa phương.

Tính đến nay, Quảng Nam có 201 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 6,35 tỷ USD. Trong đó, Singapore là đối tác lớn nhất với 8 dự án và tổng vốn đầu tư 4,11 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc với 59 dự án trị giá hơn 949 triệu USD; và Trung Quốc với 45 dự án trị giá hơn 413 triệu USD.

>> Quảng Nam khởi động dự án ‘trọng điểm của trọng điểm’, mục tiêu hồi sinh dòng sông Trường Giang

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật