Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Việt Nam sẽ tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Sáp nhập tỉnh thành mang lại cơ hội đầu tư mới
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VCBS cho biết, sau khi sáp nhập, các tỉnh thành mới sẽ sở hữu quy mô diện tích và dân số lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch liên vùng, triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, công nghiệp, logistics và đô thị. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành các vùng kinh tế trọng điểm mới, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.
Một số đề xuất điển hình gồm: Sáp nhập TP. HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu; Đà Nẵng – Quảng Nam; Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình…
Việc mở rộng không gian phát triển, tăng tính kết nối và điều tiết ngân sách hiệu quả giúp thị trường bất động sản có thêm động lực. Theo VCBS, các địa phương sau sáp nhập có thể hưởng lợi lớn từ quá trình đô thị hóa, nguồn lực kinh tế dồi dào và các cơ chế phát triển đặc thù vốn đang được áp dụng cho các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, sáp nhập các tỉnh thành còn có thể gia tăng đáng kể hiệu quả phân bổ vốn và quản lý ngân sách. Khi số lượng tỉnh thành tinh gọn hơn, nguồn lực sẽ được tập trung, và các địa phương có quy mô lớn hơn sẽ có khả năng tự chủ trong quản lý, phân bổ vốn mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự điều phối từ ngân sách Trung ương. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính linh hoạt trong điều hành.
Trong ngắn hạn, thị trường đã ghi nhận sự phản ứng rõ rệt. Giá đất nền tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên… đã có xu hướng tăng sau thông tin sáp nhập. Tuy vậy, VCBS cũng lưu ý rằng sự tăng trưởng bền vững sẽ chỉ thực sự xuất hiện khi hạ tầng, tiện ích và nhu cầu nhà ở được cải thiện rõ rệt.
![]() |
Sáp nhập tỉnh thành là tiền đề quan trọng để hình thành các vùng kinh tế trọng điểm mới |
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi lớn
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là bên hưởng lợi lớn từ đề án này, đặc biệt khi hình thành các “siêu đô thị – khu công nghiệp”. Việc hợp nhất quy hoạch phát triển công nghiệp sẽ xóa bỏ tình trạng “giành” FDI giữa các địa phương lân cận, đồng thời tích hợp quy hoạch KCN, logistics, cảng và giao thông để giảm chồng chéo, cạnh tranh ngầm, và rủi ro từ các chính sách ưu đãi thiếu kiểm soát.
Sáp nhập cũng tạo động lực để các đơn vị mạnh tăng cường đầu tư vào hạ tầng kết nối cho các khu vực yếu hơn, tránh tình trạng dự án giao thông bị dừng lại tại ranh giới hành chính như trước đây.
Một ví dụ nổi bật là mô hình “siêu đô thị công nghiệp” TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu, với hơn 33.000ha khu công nghiệp. Sự tích hợp quy hoạch và chia sẻ hạ tầng sẽ giúp tối ưu chi phí vận hành toàn vùng. Tại phía Bắc, Bắc Ninh – Bắc Giang cũng có thể hình thành cụm công nghiệp – công nghệ cao, với sức hút FDI từ các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, Goertek…
Hàng loạt doanh nghiệp hiện đang sở hữu quỹ đất và dự án tại các khu vực sáp nhập được đánh giá có triển vọng tích cực, bao gồm:
– CTCP Tập đoàn Đất Xanh – DXG– với loạt dự án Opal Luxury, DXH Parkview… khu vực TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai đang chờ phê duyệt.
– CTCP Tập đoàn Đạt Phương – DPG– (Quảng Nam): Dự án Casamia Balanca đã hoàn thiện phần xây thô.
– CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG – SIP– (Tây Ninh, TP.HCM): Sở hữu hơn 900 ha KCN cho thuê, tập trung tại Phước Đông và Lộc An – Bình Sơn.
– Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – KBC– (Bắc Ninh – Bắc Giang): Đang triển khai các KCN lớn như Tràng Duệ 3, Kim Thành 2 với tổng diện tích hơn 1.100ha.
Ngoài ra, Idico (IDC), Sonadezi (SZC), Cao su Phước Hòa (PHR)… cũng là những cái tên đáng theo dõi trong làn sóng dịch chuyển đầu tư và tăng tốc hạ tầng hậu sáp nhập.