Thông tin đáng chú ý mới đây, trước tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu suy giảm, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động thương mại dự án.
Dự kiến, Công ty sẽ tái khởi động sản xuất khi thị trường phục hồi. Trước đó, do sự cố về kỹ thuật thiết bị, khu phức hợp đã tắt máy trong giai đoạn từ tháng 3 – tháng 6 để tiến hành bảo trì, sửa đổi mặc dù đã chạy thử lần đầu tiên an toàn và thành công trong tháng 1- tháng 2/2024.
Vận hành thương mại cho đến cuối tháng 9, dự án đã đạt sản lượng 74.000 tấn hạt nhựa trong giai đoạn thử nghiệm.
Hiện, dự án LSP đã ghi nhận các khoản chi phí cố định cho việc vận hành sản xuất hạ nguồn, chủ yếu là khấu hao và lãi suất. Vào quý cuối năm nay, các chi phí cố định từ hoạt động thượng nguồn sẽ được ghi nhận sau khi hoạt động thương mại đi vào ổn định.
Việc tạm dừng hoạt động thương mại – một lần nữa đánh dấu sự “trắc trở” của siêu dự án này.
Người Thái “chơi lớn” rót thêm 700 triệu USD
Đáng chú ý, đầu tư ròng rã 15 năm với giá trị lên đến 5 tỷ USD, SCG mới đây mạnh tay chi tiếp 700 triệu USD (tương đương 17.500 tỷ đồng) vào dự án này. Đầu tư mới nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm tăng cường sử dụng khí Ethane nhập khẩu từ Hoa Kỳ làm nguyên liệu đầu vào. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027.
Trọng tâm của dự án là nhập khẩu khí ethane từ Mỹ làm nguyên liệu đầu vào, kết hợp với nguồn naphtha và propane hiện có. Theo SCG, trong 3 năm qua, giá ethane trung bình thấp hơn khoảng 40% so với naphtha và propane, do vậy, sử dụng ethane sẽ giúp SCGC kiểm soát chi phí tốt hơn và giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu. Việc gia tăng sử dụng ethane còn hỗ trợ giảm phát thải CO2 và hạn chế sản phẩm phụ phát sinh.
Điểm mạnh của LSP nằm ở khả năng tiếp nhận nguyên liệu khí với hệ thống tiện ích trung tâm sẵn sàng cho các bể chứa và đường ống khí ethane. Với ngân sách đầu tư 700 triệu USD, chủ yếu dành cho xây dựng các bể chứa khí ethane và cơ sở hạ tầng liên quan, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.
Có thể thấy LSP là một cuộc chơi lớn của “đại gia” Thái Lan, dù đang gánh khoản lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng vẫn tiếp tục đầu tư hạng mục mới. Theo báo cáo KQKD quý 3/2024, LSP lỗ ròng (không tính IRS) khoảng 1.560 tỷ đồng (tương đương 62,9 triệu USD).
15 năm đầu tư ròng rã qua nhiều đời chủ
Được biết, dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối.
Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển). Khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm – nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa dùng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm từ Tổ hợp sẽ giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.
Ở thời điểm được cấp phép năm 2008, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) là liên doanh giữa Tập đoàn SCG (chiếm 53%), Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan – cũng thuộc SCG (chiếm 18%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN (18%) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 11%.
Năm 2012 chứng kiến sự xáo động mạnh trong cơ cấu cổ đông khi PVN mua lại phần vốn của Vinachem và Qatar Petroleum International (QPI) mua lại 25% cổ phần từ SCG. Nhưng vài năm sau đó, QPI quyết định rút lui và năm 2017, SCG chi 36,1 triệu USD để mua lại chính phần vốn này.
Năm 2018, khi dự án LSP chính thức khởi công, SCG mua lại 29% vốn của PVN, qua đó nắm giữ 100% cổ phần, trở thành chủ đầu tư duy nhất của dự án.
Là cuộc chơi lớn nhất của “đại gia” Thái Lan tại Việt Nam
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng – Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging), SCG không còn xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ trong thập niên qua.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt được 23 năm, Tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group, và loạt tên tuổi khác như Nhựa Bình Minh, Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hoà, Bao bì Tín Thành…
Việt Nam đang là thị trường nước ngoài đem lại doanh thu lớn nhất cho SCG với doanh số bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2024 lên đến 1,03 tỷ USD.
Riêng dự án LSP, dự kiến doanh thu năm 2024 của tổ hợp hóa dầu Long Sơn khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ. Qua đó sẽ đóng thuế cho tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu khoảng 150 triệu USD. Ngoài ra sẽ có gần 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại tổ hợp này.
Có thể nói, LSP là “cuộc chơi” lớn nhất của SCG, được đầu tư bởi Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP) – công ty con do SCG Chemical (SCGC) sở hữu 100% vốn điều lệ. Khi chính thức đi vào hoạt động, LSP kỳ vọng tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và hiệu quả sản xuất tại tất cả nhà máy của SCGC tại Thái Lan và Việt Nam.