spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpSự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh 'không...

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh ‘không chịu lớn’

Lý do là gì? Theo chuyên gia, ngoài rào cản tâm lý với hộ kinh doanh thì mô hình chuyển đổi ra sao rất quan trọng. Không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị, giám đốc – ban kiểm soát – kế toán trưởng – báo cáo tài chính phức tạp để áp cho hộ bán bún hay người khởi nghiệp.

Ngại phức tạp, sợ chi phí

Hơn 10 năm buôn bán văn phòng phẩm, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) nhiều lần nghĩ đến chuyện mở rộng sang in ấn, rồi đăng ký thành lập doanh nghiệp cho bài bản, nhưng rồi ý tưởng vẫn để đó.

“Nhiều người bảo lên doanh nghiệp đi cho dễ làm ăn lớn, cung ứng cho công ty, trường học thì phải xuất hóa đơn, nhưng tôi tìm hiểu thấy phức tạp, cứ làm nhỏ cho chắc. Sổ sách, thuế sẽ phát sinh rất nhiều nếu không còn nộp thuế khoán, riêng việc nhập mã hàng, kiểm kho vào phần mềm bán hàng đã lằng nhằng”, chị Hà lo ngại.

Chị Kim Huệ – chủ cửa hàng tạp hóa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội – cũng chọn cách kinh doanh truyền thống: Vợ bán hàng, chồng giao hàng. Khách quen là cư dân xung quanh. Chị Huệ đang nộp thuế khoán 800.000 đồng/tháng, thêm 1 triệu đồng thuế môn bài cả năm, vừa sức để duy trì cửa hàng ổn định.

“Hàng hóa nhìn bằng mắt là biết bán chạy hay chậm, bán nhiều thì hôm sau nhập thêm, thiếu gì thì đi lấy, đơn giản vậy thôi. Mở công ty phải kê khai từng món, làm báo cáo… điều này tôi chưa từng nghĩ tới”, chị Huệ chia sẻ.

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh 'không chịu lớn' ảnh 1
Các hộ kinh doanh lâu nay vận hành đơn giản, ít ràng buộc về thủ tục và sổ sách.

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, ước tính đóng góp khoảng 30% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động.

Làm so sánh đơn giản có thể thấy, hộ kinh doanh phổ biến đối với người dân Việt Nam đến mức nào. Bình quân, cứ khoảng 20 người dân Việt Nam thì có 1 người khởi nghiệp và kiếm sống bằng hình thức hộ kinh doanh, tương ứng 1 hộ kinh doanh/20 người dân. Hiện doanh nghiệp cả nước là hơn 940.000, tương ứng khoảng 106 người dân thì có 1 doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, giai đoạn 2018-2020, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cả nước chỉ có 1.875 doanh nghiệp thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trong số này, Thanh Hóa có hơn 1.000 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Bến Tre có 247 hộ, Thừa Thiên Huế có 40 hộ… Khoảng 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, dù được hiểu là “nhỏ lẻ” nhưng thực tế cho thấy không ít hộ kinh doanh có quy mô doanh thu đáng kể.

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh 'không chịu lớn' ảnh 2
Từ 1/6, hộ kinh doanh có doanh thu lớn buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thuế, hiện cả nước có khoảng 37.000 hộ kinh doanh đạt doanh thu năm trên 1 tỷ đồng. Từ ngày 1/6 tới, nhóm này bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Như vậy, từ năm 2026, thuế khoán sẽ chính thức được xóa bỏ đối với cá nhân và hộ kinh doanh. Cùng lúc, nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa ra theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh trong việc khuyến khích các hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp.

Không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn áp cho hộ bán bún

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam – nhận định: “Chính sách giảm thuế trong 3 năm là một bước đi tích cực, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Bởi lẽ, lợi ích từ việc miễn giảm thuế còn ở thì tương lai, trong khi chi phí tuân thủ phải trả đều đặn sau khi lập doanh nghiệp”.

Theo ông Bình, khu vực hộ kinh doanh rất đa dạng, từ quy mô lớn đến những hộ nhỏ lẻ, buôn bán chỉ đủ mưu sinh. Muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cần có khung pháp lý riêng, phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay; không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn, bài bản với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị, giám đốc – ban kiểm soát – kế toán trưởng – báo cáo tài chính phức tạp để áp cho hộ bán bún hay người khởi nghiệp.

“Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hoặc xây dựng một luật riêng cho doanh nghiệp cá thể. Tên gọi thôi cũng quan trọng, thay vì doanh nghiệp tư nhân hãy gọi là doanh nghiệp cá thể để gần gũi hơn. Tên gọi phù hợp sẽ kéo theo hệ thống quy định phù hợp”, ông Bình đề xuất.

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh 'không chịu lớn' ảnh 3
Hình thức doanh nghiệp tư nhân không còn hấp dẫn sau khi hình thức công ty TNHHMTV được Luật Doanh nghiệp 2005 công nhận. Thống kê: Báo cáo ILO.

Doanh nghiệp cá thể cũng là mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia. Dẫn số liệu từ Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA), Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, 50-60% doanh nghiệp đăng ký mới mỗi năm tại Singapore là doanh nghiệp cá thể – doanh nghiệp một chủ. Đặc biệt, các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có số lượng doanh nghiệp cá thể rất lớn (OECD có 38 thành viên và hầu hết là các nước có thu nhập cao – PV). Trong khi đó, ở Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới chưa tới 0,1% mỗi năm, công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm đa số.

Thay vì “ép” hộ kinh doanh phải lớn ngay bằng việc chuyển đổi mô hình, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng điều cần làm trước tiên là tạo ra một hình thức kinh doanh có địa vị pháp lý rõ ràng, chi phí tuân thủ thấp, đơn giản và thuận tiện – bước đệm phù hợp cho giai đoạn đầu khởi nghiệp. Mô hình này phải đủ linh hoạt để khuyến khích kinh doanh, nhưng cũng đủ rõ ràng để từng bước đưa họ vào khu vực chính thức của nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã có bước đi như vậy.

“Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ không cần phải thúc ép mà trở thành nhu cầu tất yếu theo quy luật của thị trường. Khi quy mô hoạt động tăng, khi cần mở rộng đầu tư, gọi vốn hay ký hợp đồng lớn, chính họ sẽ tự thấy “cần phải lớn”, phải trở thành doanh nghiệp”, ông Bình nói và nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cho phép đăng ký tại cấp xã thay vì yêu cầu lên tận tỉnh, thành phố như hiện nay.

Không riêng thủ tục đăng ký kinh doanh, với việc xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam – cho rằng cần tạo ra tâm lý tích cực, chủ động, giúp hộ kinh doanh dễ tiếp cận, chuyển đổi. Theo đó, Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới và trong thời gian đó Nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ miễn phí.

Tại phiên Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 20/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định các hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi nhiều, thuận lợi hơn.

Về chính sách thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính đã tính toán để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045, bắt buộc phải có sự chuyển dịch đáng kể từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ sở để tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

>> Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật đón nhận tin vui

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật