Chiều ngày 7/12, Chính phủ đã tổ chức phiên họp báo thường kỳ tháng 11/2024, trong đó đại diện các bộ, ban, ngành đã thông tin và giải đáp các câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Một trong những chủ đề nổi bật là kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Liên quan dự án, vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh lộ trình triển khai, tổng vốn đầu tư và thời gian thực hiện.
Đã hội tụ những cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với chủ trương tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời nghiên cứu các chương trình phát triển điện hạt nhân khác. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có các nội dung quan trọng về phát triển điện hạt nhân.
Trong tuần này, Chính phủ đã họp và thông qua dự kiến sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng liên quan đến các vấn đề về công nghệ, an toàn và quy trình phát triển điện hạt nhân. Thêm vào đó, các hệ thống pháp lý khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng đã được xây dựng đầy đủ để hỗ trợ triển khai dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, với hành lang pháp lý đã được xác lập, hiện tại, “tất cả các cơ sở pháp lý đã đầy đủ để triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Ảnh: VGP |
>> Tổng Bí thư Tô Lâm thị sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Để thực hiện dự án, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VIII, một cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Quốc hội.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị mặt bằng sạch và tạo sự đồng thuận của người dân để thuận lợi triển khai dự án điện hạt nhân tại khu vực này.
Một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai dự án là lựa chọn công nghệ. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc lựa chọn công nghệ phải đảm bảo an toàn, với các tiêu chí khắt khe từ các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Theo ông Tân, công nghệ hiện nay rất tiên tiến và ngày càng đảm bảo an toàn cao.
Minh họa dự án điện hạt nhân. Ảnh IT |
>> Tiếp tục làm điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam nên chọn công nghệ nào?
Ước tính dự án có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD
Về tổng mức đầu tư của dự án, Thứ trưởng Tân cho biết, con số cụ thể vẫn chưa được xác định, nhưng dự án ước tính sẽ có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD. Mức đầu tư chính xác sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô, yêu cầu công nghệ và các yếu tố về an toàn.
Nói về lợi ích khi khởi động lại chương trình điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ ra ba lợi ích lớn, gồm:
- Nguồn năng lượng nền, sạch: Dự án sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch, ổn định và đáp ứng tiêu chuẩn phát triển năng lượng xanh, tái tạo. Điện hạt nhân sẽ là nền tảng quan trọng cho phát triển năng lượng bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.
- Năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế: Dự án sẽ cung cấp năng lượng an toàn không chỉ cho Ninh Thuận mà còn cho các khu vực lân cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn quốc. Với sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, dự án còn có tiềm năng xuất khẩu năng lượng ra quốc tế trong tương lai.
- Động lực cho công nghệ và khoa học năng lượng nguyên tử: Dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học năng lượng nguyên tử, tạo động lực cho ngành công nghiệp này và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước.
Với những cơ sở pháp lý vững chắc và những bước đi quyết liệt trong việc triển khai, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ có thể giải quyết vấn đề năng lượng trong tương lai mà còn góp phần tạo ra đòn bẩy cho phát triển kinh tế, công nghệ và khoa học tại Việt Nam.
>> Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân