
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1
Đầu tháng 5, Tập đoàn Sumitomo của Nhật đã thông báo sẽ chuyển nhượng 50% vốn góp tại Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL). VPCL là công ty con của Sumitomo và là chủ đầu tư của dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Giải thích về quyết định này, Sumitomo cho biết mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngành năng lượng và đồng thời tiến tới sản xuất điện xanh hơn với ít ảnh hưởng hơn tới môi trường.
Việc chuyển nhượng này còn chờ quyết định phê duyệt của các cơ quan có liên quan. Sumitomo không đưa chi tiết về bên mua và giá chuyển nhượng. Dự kiến, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong năm tài khóa 2026 của Sumitomo.

Tháng 3/2024, nhà máy điện Vân Phong 1 chính thức đi vào vận hành và cung cấp khoảng 8,5 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) theo hợp đồng ký bởi Bộ Công Thương (đại diện cho Chính phủ Việt Nam), và sẽ được bàn giao cho Chính phủ sau 25 năm vận hành.
Tổng thầu dự án là liên danh các nhà thầu gồm: IHI Corporation, Toshiba ESSC, CTCI Corporation và Doosan Heavy Industries & Corporation.


Thông tin về kết quả hoạt động của VPCL, Sumitomo cho biết thu nhập hoạt động (operating income) âm trong năm tài khóa 2023 và 2024, nhưng đã đạt con số dương trong năm tài khóa 2024. Còn lợi nhuận trước thuế (profit before tax) tăng đều từ 66,6 triệu USD lên 70,7 triệu USD và 111,5 triệu USD qua 3 năm.
Tại Việt Nam, ngoài Vân Phong 1, một dự án nhiệt điện khác của Sumitomo đầu tư là nhà máy Phú Mỹ 2.2. Đây là dự án BOT đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép thông qua đấu thầu quốc tế. Với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, dự án được hỗ trợ bởi 3 tập đoàn hàng đầu thế giới: EDF (Pháp), Sumitomo và JERA (Nhật Bản).
Đặt tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 có công suất 715 MW và bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 4/2/2005. Ngày 4/2/2025, sau khi đã kết thúc thời hạn vận hành theo quy định tại hợp đồng BOT, dự án được chuyển giao cho phía Việt Nam mà đại diện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tập đoàn Sumitomo đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…
Sumitomo ghi dấu tại loạt dự án lớn như tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2.2…
Sumitomo sở hữu 58% vốn của Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (TLIP). Hiện có 3 KCN Thăng Long ở Việt Nam bao gồm TLIP 1 tại Hà Nội, TLIP 2 tại Hưng Yên và TLIP 3 tại Vĩnh Phúc.
Sumitomo đã liên doanh với Tập đoàn BRG hợp tác đầu tư dự án Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD) và nắm 50% vốn trong Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội-chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra, Sumitomo còn hợp tác với BRG phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.