Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tờ Le Temps (Thụy Sĩ) đã đăng tải một bài viết phân tích về tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Bài viết cho biết, mọi thứ bắt đầu từ những năm 1990. Khi đó, ông Frédéric Montier – người sau này giữ vai trò Giám đốc văn phòng đại diện của công ty công nghệ ELCA tại Việt Nam – đã nhận thấy tiềm năng nhân lực tại đây thông qua một nhà khoa học.
![]() |
Ảnh minh hoạ: Tập đoàn ELCA. Nguồn: ELCA |
>> Châu Âu (EU) bất ngờ gọi Việt Nam là đối tác trụ cột ở Đông Nam Á
Ông Montier chia sẻ: “Tôi nhận thấy những kỹ năng đặc biệt của chuyên gia nổi tiếng này. Với sự tò mò, sau đó tôi xem xét thành tích của người Việt Nam và phát hiện ra rằng họ luôn xếp hạng trong Top 15 trong các kỳ thi Olympic Toán học”.
Chính từ sự ghi nhận này, ELCA – doanh nghiệp có trụ sở tại bang Vaud (Thụy Sĩ) – đã quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1998. Tính đến nay, công ty đã có hơn 400 nhân viên đang đảm nhận công việc phát triển phần mềm cho thị trường Thụy Sĩ và hỗ trợ dịch vụ toàn cầu của tập đoàn.
Được biết, Tập đoàn ELCA đã ghi nhận doanh thu ròng 339 triệu CHF (khoảng 410 triệu USD) trong năm 2024, đánh dấu mức tăng trưởng 3,4% so với năm trước. Đến cuối năm 2024, số lượng nhân viên toàn cầu của công ty đã đạt 2.390 người, trong đó một nửa làm việc tại Thụy Sĩ.
Qua thời gian, sự hiện diện của ELCA tại Việt Nam dần bị “lấn lướt” bởi những tên tuổi lớn hơn của Thụy Sĩ như Nestlé – tập đoàn đa quốc gia về thực phẩm và đồ uống, hay ABB – tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, ông Montier vẫn tự hào rằng ELCA là doanh nghiệp IT đầu tiên của Thụy Sĩ đặt chân tới Việt Nam.
Ông Roger Leitner – Chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Sĩ – châu Á – nhận định những ví dụ nêu trên là minh chứng cho thấy các tiêu chuẩn chất lượng của Thụy Sĩ có thể được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Cũng theo ông Leitner, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây. Với dân số vượt ngưỡng 100 triệu người, quốc gia này đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế nhờ nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong khu vực nhờ chi phí lao động cạnh tranh và khả năng cung cấp các giải pháp linh hoạt cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bài viết của Le Temps cũng chỉ ra một số thách thức mà doanh nghiệp Thụy Sĩ có thể gặp phải khi cân nhắc đầu tư tại Việt Nam. Dẫu vậy, ông Montier khẳng định Việt Nam vẫn luôn là quốc gia phù hợp với các nhà đầu tư.
Ông cho biết: “Việt Nam có chất lượng cuộc sống tuyệt vời và một khía cạnh khác, đôi khi bị lãng quên trong các cuộc thảo luận, đó là việc họ đang tích cực phát triển cơ sở hạ tầng”.
>> Nhật Bản muốn tăng cường đầu tư, đưa chip bán dẫn trở thành lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam