Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố về sự cố kỹ thuật tại tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, diễn ra ngày 24/10 tại ga Cầu Giấy. Sự cố khiến tuyến metro phải dừng vận hành từ 17h25 đến 18h15, ảnh hưởng đến 14 lượt tàu, trong đó 6 lượt bị chậm giờ và 8 lượt bị hủy bỏ.
Theo báo cáo của nhà thầu UJV, sự cố xảy ra do lỗi bộ chuyển nguồn tạm thời 220VAC-110VDC tại tủ cầu dao cách ly từ xa (RIS3) ở ga Cầu Giấy. Bộ chuyển nguồn này đang được sử dụng tạm thời do đoạn ngầm chưa hoàn thành thi công. Lỗi này đã làm mất tín hiệu từ tủ RIS3 về Trung tâm Điều khiển OCC, khiến hệ thống tự động ngắt điện tại phân khu 2 để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự cố, không có nhân sự trực tại phòng kỹ thuật của ga Lê Đức Thọ – nơi cần xử lý tình huống. Đội kỹ thuật của nhà thầu UJV phải di chuyển từ depot đến ga số 5 với khoảng cách 5km và mất 30 phút để tiếp cận khu vực cần thiết, dẫn đến việc khắc phục kéo dài.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) bổ sung nhân sự và nâng cao năng lực của đội ngũ vận hành, đảm bảo có người trực để xử lý tình huống bất ngờ. Sở cũng đề nghị Hanoi Metro tăng cường lực lượng hỗ trợ tại chỗ, phối hợp kịp thời với nhà thầu UJV cùng các đơn vị liên quan để khôi phục hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất khi sự cố xảy ra.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố về sự cố kỹ thuật tại tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, diễn ra ngày 24/10 tại ga Cầu Giấy. Ảnh minh họa |
>> Metro Nhổn – Cầu Giấy lần đầu gặp sự cố sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động
Ngoài ra, Hanoi Metro cần thực hiện các buổi diễn tập định kỳ về các tình huống sự cố giả định để nâng cao khả năng ứng phó của nhân viên. Công ty cũng được yêu cầu cập nhật và điều chỉnh quy trình vận hành, đảm bảo tính sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp. Trước ngày 25 hàng tháng, Hanoi Metro sẽ phải báo cáo Sở GTVT về tình hình vận hành, đảm bảo an toàn, để Sở tổng hợp và trình lên UBND thành phố.
Để ngăn ngừa sự cố tương tự, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), chủ đầu tư của tuyến metro, chỉ đạo nhà thầu UJV thay thế bộ chuyển nguồn 220VAC-110VDC tại tủ RIS3 theo quy định bảo hành. MRB được yêu cầu đảm bảo hoàn thành thay thế trước ngày 15/11 để tránh nguy cơ mất điện lần nữa.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga, và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 80km/h, và tốc độ khai thác 35km/h. Dự án bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021.
Tháng 8 vừa qua, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội đã bắt đầu vận hành thương mại đoạn trên cao sau 15 năm chờ đợi. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Hanoi Metro trong năm 2024.
Giá vé của hai tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội hiện tương đồng, với mức giá thấp nhất là 8.000 đồng mỗi lượt, và tối đa từ 12.000-15.000 đồng nếu đi toàn tuyến. Vé ngày không giới hạn lượt di chuyển có giá từ 24.000-30.000 đồng cho một người, trong khi vé tháng có giá 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 đồng cho học sinh, sinh viên và người lao động tại các khu công nghiệp.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội dự kiến sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km. Đến nay, ngoài hai tuyến hiện đang hoạt động, 8 tuyến còn lại vẫn chưa được khởi công.
>> Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên chính thức chạy thử vào ngày 14/10