Có không ít sự thay đổi trong tâm lý và hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau giai đoạn khó khăn kinh tế. Và khi thói quen tiêu dùng dịp Tết 2025 thay đổi nhanh và khó dự đoán, thị trường hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, ghi nhận đáng chú ý tại hội thảo mới đây.
Nghiên cứu mới nhất của Kantar Worldpanel Việt Nam, sau COVID-19, mức độ lạc quan về tình hình kinh tế trong tương lai của người tiêu dùng Việt Nam đạt 88% (quý 3/2022). Tuy nhiên, chỉ số này giảm mạnh từ quý 4/2022 đến hết năm 2023 do kinh tế suy yếu, tình hình chiến tranh trên thế giới, giá tăng và sa thải hàng loạt. Dù GDP Việt Nam tăng trưởng phục hồi đạt 7,4% vào quý 3/2024, nâng mức độ lạc quan tăng nhẹ từ đầu 2024 nhưng đến quý 3 lại giảm còn 69%. Điều đó cho thấy, tâm lý người tiêu dùng trở nên bất ổn và kém lạc quan hơn trước.
Do đó, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, quà tặng ngày Tết cũng ngày càng thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.
Thêm vào đó là phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ. Trên thực tế, việc phân biệt hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu (đặc biệt từ Trung Quốc) không dễ dàng. Các mặt hàng Trung Quốc đi rất sâu vào tất cả những phương tiện để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
“Đối với không ít người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, muốn chinh phục họ thì giá rẻ vẫn là yêu cầu đầu tiên. Ngoài bài toán cạnh tranh làm sao để kiểm soát giá cả, thay đổi những điều kiện bán hàng thì doanh nghiệp còn phải chú ý đến yếu tố bám sát nhu cầu thị trường từng giai đoạn. Đồng thời, cần tìm ra được ngách cạnh tranh những điểm tạo khác biệt, sản phẩm mang đặc tính địa phương để không lơ là cạnh tranh”, bà nói.
Ở phía doanh nghiệp, các bên liên quan từ sản xuất, siêu thị phân phối đến hỗ trợ thanh toán, dịch vụ cũng đã sớm có kế hoạch triển khai đón Tết 2025. Một xu hướng đáng chú ý, ngày nay khách hàng, đặc biệt thế hệ trẻ, mua sắm phải đi đôi với trải nghiệm giải trí dẫn đến những hội chợ Tết, triển lãm, gặp gỡ các người nổi tiếng… được doanh nghiệp ưu tiên phát triển.
Đơn cử, cuối tuần qua, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (trung tâm Tp.HCM) lần đầu diễn ra chuỗi sự kiện thanh toán số kết hợp siêu nhạc hội mua sắm, thu hút hơn 7.000 lượt khách tham quan và mua sắm chỉ trong ngày đầu mở cửa. Đây cũng là chương trình hưởng ứng chiến lược thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, theo đó tất cả các hoạt động mua sắm và giải trí tại sự kiện đều sẽ áp dụng hình thức thanh toán bằng mã QR.
Tương tự, tiếp nối chuỗi kế hoạch đón Giáng Sinh, lễ hội cuối năm, bên cạnh các khuyến mãi, trang trí tăng trải nghiệm cho khách hàng… Công ty Fahasa mới đây còn kết hợp với tân hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên giao lưu, ký tặng sách nhằm thu hút người mua sắm trực tiếp.
Hay với các hệ thống siêu thị, chia sẻ với chúng tôi, đại diện WinMart dự báo sức mua tăng 20% từ nay cho đến Tết Nguyên Đán, chuỗi theo đó đã tăng cường nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm song song ra những ưu đãi lớn, nhiều sản phẩm lên tới 50%.
“Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tươi sống và thực phẩm thiết yếu, chuỗi bán lẻ đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo giá cả và nguồn hàng trong hệ thống luôn ổn định.
Đồng thời, đây cũng là năm đánh giaaus chặng đường 10 năm phát triển, WinCommerce (đơn vị vận hành hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN) sẽ triển khai chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm”, đại diện nói.
Về phía Saigon Co.op, chuỗi này dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Không chỉ giảm giá, nắm bắt xu hương tiêu dùng trải nghiệm gần đây, tại 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, Cheers, Sense City, Sense market… hệ thống cho biết đầu tư xây dựng không gian Tết truyền thống với phiên chợ Tết 3 miền, các gian hàng OCOP của các tỉnh thành, đặc sản vùng miền.
“Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Saigon Co.op cũng tuyển dụng hơn 3.500 lao động thời vụ tại những vị trí: nhân viên bán hàng, thu ngân, marketing, gói quà, bảo vệ, thủ kho, phụ kho, giao hàng tận nhà … nhằm phục vụ khách hàng nhanh chóng”, đại diện Saigon Co.op chia sẻ thêm.