spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpThương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50...

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam

Với hơn 50 năm phát triển, khóa Việt Tiệp không chỉ là một thương hiệu đi cùng năm tháng, mà còn là biểu tượng của chất lượng và đổi mới trong ngành công nghiệp khóa Việt Nam.

Những năm gần đây thị trường khóa cửa ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, sự đột phá mới về công nghệ, và đặc biệt là sự hiện diện của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước.

Những ổ khóa đầu tiên trên thế giới

Lịch sử ghi nhận, những chiếc ổ khóa đầu tiên đã xuất hiện từ khoảng 6.000 năm trước, tại Ai Cập cổ đại. Ổ khóa lúc đó được tạo bằng cách khoét những chiếc lỗ trên các thanh gỗ, và có những then cài tương ứng.

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam
Những chiếc ổ khóa đầu tiên. Ảnh Internet

Mãi đến khoảng năm 870-900, những chiếc ổ khóa kim loại đầu tiên mới ra đời, do những người La mã chế tạo. Khóa từ đó được ‘nâng cấp’ dần với những cơ quan phức tạp hơn nhằm tăng tính an toàn. Loại khóa 2 tầng lẫy xuất hiện từ năm 1778, do Robert Barron phát minh.

Tuy vậy, mãi đến năm 1861, những chiếc chìa khóa ‘nhiều răng’ như hiện nay mới xuất hiện với tính năng an toàn cao hơn hẳn. Các răng này được bố trí dài ngắn khác nhau, khiến việc ‘phá khóa’ trở nên khó khăn. Những ổ khóa dạng này được cho là do Linus Yale và Jeremiah Chubb sáng chế.

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam
Khóa dần được cải tiến để đảm bảo tính an toàn cao hơn. Ảnh Internet

Chiếc khóa bằng thẻ từ đầu tiên ra đời năm 1975 với công nghệ hiện đại, độ bảo mật cao hơn. Đây cũng là khởi đầu cho những loại khóa “công nghệ” liên tiếp được cải tiến sau đó. Với những dòng khóa hiện đại sau này, người dùng ra ngoài đã không cần phải nhớ mang theo chìa khóa. Người cuối cùng rời nhà khóa cửa không cần phải tìm kiếm “chỗ giấu” chìa khóa quen thuộc, hay phải check hẹn giờ về mở cửa với những thành viên khác trong nhà.

Những khóa cửa hiện đại ngày nay có thể mở bằng thẻ, vân tay, hoặc thậm chí nhận diện bằng khuôn mặt, giọng nói, hay mở qua app từ xa. Quy mô thị trường khóa thông minh ước tính đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 5,75 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 15,4% trong giai đoạn dự báo (2024-2029), theo số liệu từ Mondor Intelligence. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, thế hệ những người 7x, 8x vẫn còn nhớ những ổ khóa Việt Tiệp, Huy Hoàng… Ra đời sớm hơn, CTCP Khóa Việt Tiệp tiền thân là Xí nghiệp Khoá Hà Nội trực thuộc Sở công nghiệp Hà Nội, thành lập năm 1974 với công nghệ, thiết bị do Tiệp Khắc cũ tài trợ. Công ty cho ra những sản phẩm đầu tiên vào nửa cuối năm 1976.

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam
Khóa Việt Tiệp trong ký ức nhiều người Việt

Những cột mốc đáng nhớ của một thương hiệu ‘đi cùng năm tháng’

Thế hệ những người 8x, khi nhắc tới khóa, luôn vang lên 2 chữ Việt Tiệp, một cái tên đi cùng năm tháng. Tiền thân là Xí nghiệp khóa Hà Nội, được thành lập từ tháng 7/1974, đến nay, khóa Việt Tiệp đã có tuổi đời hơn 50 năm. Cái tên Việt Tiệp gắn với doanh nghiệp từ tháng 4/1989, khi UBND TP. Hà Nội quyết định đổi tên xí nghiệp thành Xí nghiệp khóa Việt Tiệp.

Khóa Việt Tiệp nhanh chóng khặng định vị thế, cán mốc 1 triệu sản phẩm vào năm 1994. Tuy vậy, sau đó cơ chế thị trường mở ra, khóa Việt Tiệp rơi vào giai đoạn khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh.

Song, nhờ sự cọ xát với các đối thủ, khóa Việt Tiệp lại trở nên mạnh mẽ hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp và sáng tạo, dần bứt phá. Giai đoạn năm 1995-2000, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, sản xuất cán mốc 4 triệu khóa.

Ưu thế là một doanh nghiệp Nhà nước, năm 2006, công ty tiến hành cổ phần hóa. Chưa kịp ‘vững’ thì lại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, công ty chỉ ‘cố’ đảm bảo duy trì hoạt động, không để người lao động mất việc. Trụ vững qua giai đoạn khó khăn, Việt Tiệp cán mốc doanh thu 500-600 tỷ đồng giai đoạn năm 2012.

Đến nay, qua 50 năm phát triển, Việt Tiệp trở thành doanh nghiệp sản xuất khóa lớn nhất Việt Nam, mở rộng sản xuất sang một số mặt hàng kim khí tiêu dùng cao cấp. Năng lực sản xuất đạt trên 23 triệu sản phẩm mỗi năm với hàng trăm loại khóa khác nhau đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Năm 2018 và 2019 ghi dấu ấn với doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Còn năm 2024 vừa qua doanh thu vẫn duy trì xấp xỉ 750 tỷ đồng.

Việt Tiệp cũng là thương hiệu đi cùng năm tháng duy trì được mức lợi nhuận lớn, lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, năm 2024 vừa qua lãi sau thuế 28 tỷ đồng.

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam
Kết quả kinh doanh của khóa Việt Tiệp

>> Doanh nghiệp ngành khóa 50 năm tuổi báo lãi 28 tỷ đồng

Những bí quyết giúp Việt Tiệp giữ vững thế cạnh tranh

Cũng như các dòng khóa Việt Nam khác, Việt Tiệp vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong nước và cả các thương hiệu khóa ngoại nhập từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc… Vậy làm thế nào để một doanh nghiệp Việt có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong một thị trường đầy thách thức?

Một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Tiệp nằm ở chất lượng sản phẩm. Công ty sử dụng các chất liệu cao cấp như đồng thau, inox 304, hợp kim ZDC-2, giúp khóa có độ bền cao, chịu lực tốt và chống gỉ sét. Bên cạnh đó, công nghệ đúc áp lực cao, dập nóng, mạ điện cũng được áp dụng, giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Khác với nhiều thương hiệu chỉ tập trung vào một phân khúc, Việt Tiệp phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, từ khóa cửa cao cấp, khóa treo & khóa cầu ngang, các phụ kiện nhôm kính cho đến khóa điện tử thông minh, hiện đại.

Dòng sản phẩm khóa thông minh của Việt Tiệp hiện đang dần mở rộng, đón đầu xu hướng công nghệ. Thị trường khóa Việt Nam không chỉ có sự cạnh tranh nội địa mà còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu ngoại nhập như Yale (Mỹ), Hafele (Đức), Abloy (Phần Lan), Dessmann (Đức), Samsung (Hàn Quốc)… Lợi thế lớn của Việt Tiệp so với khóa nhập khẩu là giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các dòng khóa ngoại thường thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, không hoàn toàn phù hợp với kích thước cửa, độ dày cửa và khí hậu Việt Nam. Việt Tiệp tận dụng lợi thế này để phát triển các sản phẩm chuẩn kích thước, dễ lắp đặt và sử dụng.

Thương hiệu đi cùng năm tháng: Bí quyết giúp doanh nghiệp 50 năm tuổi giữ vững vị thế trong ngành khóa cửa Việt Nam
Việt Tiệp nhanh chóng bắt nhịp thị trường với các dòng khóa thông minh

Dịch vụ hậu mãi là lợi thế lớn mà các doanh nghiệp ngoại khó có thể cạnh tranh. Việt Tiệp chiếm lợi thế trên thị trường khóa Việt Nam khi có hệ thống 8.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, cùng 200 đại lý. Công ty có 4 chi nhánh tại Việt nam, đặt tại các vùng Bắc – Trung – Nam cùng 1 chi nhánh nước ngoài.

Việt Tiệp cũng tự hào với 2.000 giải pháp sản phẩm, phục vụ sản xuất đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Hệ thống phân phối và bảo hành rộng khắp với hàng trăm đại lý trên toàn quốc, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ. Đây là điểm mà khách hàng ấn tượng nhất khi lựa chọn thương hiệu khóa Việt Tiệp.

Với hơn 50 năm phát triển, khóa Việt Tiệp không chỉ là một thương hiệu lâu đời mà còn là biểu tượng của chất lượng và đổi mới trong ngành công nghiệp khóa Việt Nam.

Bằng chiến lược tập trung vào chất lượng, đa dạng sản phẩm, giá cả hợp lý và dịch vụ khách hàng tốt, Việt Tiệp đã xây dựng được lòng tin vững chắc với người tiêu dùng.

>> Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật