spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpTiền mặt của Nhựa Bình Minh (BMP) lên cao kỷ lục, áp...

Tiền mặt của Nhựa Bình Minh (BMP) lên cao kỷ lục, áp sát 2.300 tỷ

Nhựa Bình Minh (BMP) thường xuyên nắm giữ lượng tiền nhàn rỗi lớn, duy trì vài nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP), tại cuối quý, tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của công ty lên tới 2.291 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm và cao nhất trong lịch sử. Trong 9 tháng đầu năm, công ty nhận về hơn 55 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

So với tổng tài sản 3.514 tỷ đồng, lượng tiền nhàn rỗi chiếm tới 65%.

Trong khi đó, dư nợ tài chính chỉ gần 55 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng nguồn vốn.

Với việc duy trì đòn bẩy tài chính ở mức thận trọng, Nhựa Bình Minh ít chịu áp lực về chi phí lãi vay như các doanh nghiệp khác. Trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp chỉ trả 17 triệu đồng chi phí lãi vay.

Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sản xuất nhựa dân dụng và đang dẫn đầu thị phần khu vực phía Nam (từ Huế trở vào, trọng điểm là Đông Nam Bộ và miền Tây). Doanh nghiệp thường xuyên nắm giữ lượng tiền nhàn rỗi lớn, duy trì vài nghìn tỷ đồng và chiếm tỷ trọng trên 50% trong tổng tài sản. Điều này rất thuận lợi trong tương lai khi công ty cần nguồn vốn để nhập hàng hay xây dựng thêm nhà máy,…

Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty dao động 700-1.100 tỷ đồng giúp công ty chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của Nhựa Bình Minh

>> Doanh nghiệp nhựa lớn nhất sàn chứng khoán đứng trước nguy cơ mất thị phần

Với nguồn lực dồi dào, nhựa Bình Minh cũng thường xuyên chi trả cổ tức tiền mặt ở mức cao, đỉnh điểm năm 2023, công ty đã trả tổng tỷ lệ cổ tức là 126%, tương đương 12.600 đồng/cp.

Hiện tại, The Nawaplastic Industries (Saraburi) – thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan đang là cổ đông lớn nhất của nhựa Bình Minh, với tỷ lệ nắm giữ 55%. Thông qua mỗi lần chia cổ tức, cổ đông ngoại này đã nhận về hàng trăm tỷ đồng từ công ty đầu ngành nhựa, riêng năm 2023 lên tới 567 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 3.563 tỷ đồng và 760 tỷ đồng, đồng loạt giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được lần lượt 64% mục tiêu doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo báo cáo công bố giữa tháng 9, Chứng khoán BSC dự báo kết quả kinh doanh của nhựa Bình Minh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì mức cao nhờ sản lượng phục hồi và giá đầu vào hạt nhựa PVC giảm. Biên lợi nhuận gộp cả năm dự báo đạt 43%.

Sang năm 2025, các chuyên gia dự phóng doanh thu thuần của nhựa Bình Minh có thể giảm 12%, lợi nhuận sau thuế giảm 17% dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ giảm khi công ty đang đánh mất thị phần vì duy trì chính sách giá bán cao trong vòng 2 năm qua – ước tính cao hơn 10%-15% so với đối thủ Nhựa Tiền Phong. Trong năm sau, giá bán có thể giảm 2% khiến kết quả của Nhựa Bình Minh đi xuống.

>> Không phải ‘cổ đất’, Nhựa Bình Minh (BMP) vẫn hưởng lợi khi thị trường BĐS phục hồi

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật