Những tưởng lệnh cấm TikTok tại Mỹ đã dần trôi vào quên lãng, nhưng mới đây, người dùng ứng dụng này tại quốc gia này bất ngờ nhận được thông báo gây lo ngại. Theo đó, TikTok sẽ “tạm thời ngừng hoạt động” từ ngày hôm nay 19/1, với thông báo xuất hiện trên màn hình điện thoại vào khoảng 6 giờ sáng giờ Việt Nam.
Không chỉ TikTok, ứng dụng chỉnh sửa video CapCut, một sản phẩm khác của ByteDance, cũng gửi đi thông báo tương tự. Dù lời trấn an rằng “chúng tôi đang nỗ lực khôi phục dịch vụ tại Mỹ nhanh nhất có thể” được đưa ra, hàng triệu người dùng vẫn không khỏi lo lắng và hoang mang.
Sự kiện này diễn ra gấp gáp, dù thời hạn lệnh cấm đã được ấn định từ tháng Tư năm ngoái khi giới chức Mỹ ký ban hành đạo luật liên quan. Điều đáng chú ý là TikTok dường như không có một kế hoạch dự phòng hiệu quả, nhất là sau khi Tòa án Tối cao giữ nguyên tính hợp hiến của đạo luật này vào tuần trước. Chỉ một ngày trước đó, TikTok vẫn còn trấn an các đối tác quảng cáo rằng dịch vụ của họ sẽ tiếp tục hoạt động ổn định.
Trước nguy cơ ngừng hoạt động, TikTok đã cảnh báo rằng họ sẽ không thể tiếp tục nếu chính phủ Mỹ không cam kết hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ như Apple và Google. TikTok cho biết mức phạt đối với các nhà cung cấp này có thể lên đến hàng nghìn đô la cho mỗi người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chức trách đã chuyển giao trách nhiệm thực thi lệnh cấm, đồng thời cho rằng động thái của TikTok chỉ là “một chiêu trò”.
Ông Trump, người khởi xướng lệnh cấm TikTok đã bày tỏ ý định gia hạn thêm 90 ngày thời gian thực thi lệnh cấm thông qua một sắc lệnh hành pháp sau khi trở lại nắm quyền vào ngày 20/1. Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu có sử dụng quyền gia hạn để tạo điều kiện cho một thỏa thuận bán công ty, hay liệu có quyền can thiệp sau khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực.
Người dùng TikTok tại Mỹ đang bày tỏ sự thất vọng và phản đối mạnh mẽ. Thay vì ủng hộ việc gây áp lực buộc ByteDance phải bán TikTok, nhiều người đã chuyển hướng chỉ trích về phía các chính trị gia từ cả hai đảng. Họ hy vọng lệnh cấm sẽ được hủy bỏ hoàn toàn. Với sự tham gia của hàng triệu người dùng trẻ, cộng đồng này đang gia tăng áp lực lên chính phủ để bảo vệ nền tảng mà họ yêu thích.
Tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Những động thái tiếp theo từ các bên liên quan chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý không chỉ của người dân Mỹ, mà còn của cả dư luận toàn cầu.