Cải hoán tàu chở dầu thô có kích thước to nhất nhì Đông Nam Á
Cuối năm 2024, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Dầu khí (PVSM) (trước đây là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS)) đã thực hiện cải hoán “gã khổng lồ” MT Cawthorne – thuộc top tàu dầu lớn nhất Đông Nam Á thành kho nổi chứa dầu khí (FSO).
Với chiều dài 333m, nếu dựng đứng thì tàu MT Cawthorne cao gần bằng 3/4 tòa nhà Landmark 81 (tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện tại – 461,3m). Trọng tải khoảng 318.000 tấn, tương đương với sức chứa của 16.000 xe bồn loại 20 tấn. Được biết đây là loại tàu chở dầu thô có kích thước to nhất nhì Đông Nam Á.

Sau hơn 3 tháng thi công, đến sáng ngày 25/3/2025, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã hoàn thành và ban giao tàu FSO MT Cawthorne cho chủ tàu nước ngoài để đưa vào khai thác.
Tàu MT Cawthorne là dự án cải hoán tàu lần thứ 2 do công ty thực hiện. Đây là dự án đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao hơn rất nhiều so với việc sửa chữa, đóng mới một tàu bình thường.

Để “thuần hóa” gã khổng lồ này, PVSM đã thực hiện sửa chữa định kỳ và thay mới toàn bộ đường ống nước biển làm mát, đường ống máy phát điện, ống xả thải, ống nước ngọt, ống khí nén… Tổng khối lượng các đường ống này khoảng 78 tấn.
PVSM cũng bảo dưỡng các đường ống vận chuyển dầu, ống cứu hỏa, đường ống nước vệ sinh hầm hàng… với tổng chiều dài khoảng 2.300m.
Bên cạnh đó, thay mới gần 20 tấn sắt trong hầm chứa, bảo dưỡng khoảng 250 van, làm sạch và sơn chống ăn mòn hơn 94.241m2 (bằng diện tích của hơn 13 sân bóng đá tiêu chuẩn thế giới).
Đặc biệt, PVSM gia công, lắp đặt bệ chứa và thiết bị của phần nhập/xuất dầu ở phần thân tàu. MT Cawthorne cũng được lắp đặt sân đáp máy bay đáp ứng yêu cầu của các loại máy bay 9-12 tấn.

Công ty đã triển khai các giải pháp như tận dụng thời gian neo đậu để tiến hành thống kê, khảo sát, lên phương án trước khi tàu tiến vào dock sửa chữa. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn cung cấp vật tư bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Phối hợp đồng bộ với các nhà thiết kế để tập trung tối ưu hóa các bản vẽ, phục vụ việc gia công chế tạo các chi tiết, kết cấu…
Tập trung sẵn sàng các thiết bị, máy móc, vật tư tại gần khu vực sửa chữa và tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, hướng dẫn công việc để đáp ứng trong quá trình thi công dự án…
Chân dung Công ty TNHH MTV Đóng tàu & Công nghiệp Cơ khí Dầu khí
Công ty TNHH MTV Đóng tàu & Công nghiệp Cơ khí Dầu khí, tên cũ là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/02/2006 là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam.
Ngày 23/04/2025, DQS chính thức được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Dầu khí (PVSM).
Thời điểm mới xây dựng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất được kỳ vọng sẽ là “người khổng lồ”, gánh trên vai sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về đóng tàu trong khu vực và trên thế giới.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất có công suất thiết kế giai đoạn I với mục tiêu đóng mới khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm; giai đoạn 2 nâng công suất đóng mới lên 1,1 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới và những sai lầm từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã biến DQS trở thành một nhà máy hoang tàn khi được chuyển giao về về PVN năm 2010. Sau khi tiếp nhận, PVN đã tái cơ cấu Nhà máy đóng tàu Dung Quất để duy trì và tiếp tục hoạt động.
Ghi nhận, PVN đã đầu tư vào DQS 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ gần 3.500 tỷ đồng để trả nợ các ngân hàng. Từ khi PVN tiếp nhận, DQS đã cải hoán, đóng mới và sửa chữa hàng loạt tàu thuyền trong và ngoài nước.
Nhà máy này thuộc nhóm 12 dự án thua lỗ, yếu kém mà ngành công thương được Chính phủ chỉ đạo tích cực tháo gỡ.
Tuy những hậu quả lịch sử khiến việc đầu tư chưa đồng bộ nhưng doanh nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng với những nền tảng nhất định, thuận lợi trong việc tiếp nhận đóng mới tàu thuyền hiện đại hoặc bảo dưỡng các dự án lớn.
PVSM có thể đóng mới tàu đến 300.000 Dwt và sửa chữa thành công các phương tiện nổi như Giàn khoan, Kho nỗi chứa xuất dầu, Sà lan, Tàu lai dắt…
Trong quá khứ, PVSM từng đảm nhận việc sửa chữa, bảo dưỡng FSO Chí Linh có chiều dài 295m, rộng 45m và chứa được 150.000 tấn dầu với tổng thời gian 60 ngày đêm. PVSM cũng từng đón nhận một “gã khổng lồ” khác là Galilean 7 vào năm 2020, là tàu chở dầu có kích thước dài 334m, rộng 58m, trọng tải 180.000-320.000 tấn dầu, và hoàn thành dự án sau hơn 6 tháng.
Năm 2024, PVSM đã thực hiện đóng mới, sửa chữa và gia công 41 đơn hàng, trong đó 37 đơn hàng ngoài ngành, chiếm 90% tổng số đơn hàng, chiếm 86% giá trị đơn hàng. NTS thực hiện thi công 10 sản phẩm (trong đó nhận từ Công ty mẹ DQS 07 đơn hàng).
Về công tác Tái cơ cấu, ngày 06/11/2024, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với PVSM. PVSM đang phối hợp với Tập đoàn PVN và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện triển khai.
Năm 2025, PVSM dự kiến tiếp nhận và triển khai thi công sửa chữa các sản phẩm theo kế hoạch sửa chữa của Chủ tàu đang làm việc như: Chủ tàu VSP, Fgas, Nhật Việt, PCT, Vipco, Vitaco, Vimc, Vosco, PVtrans, HTK, Hải Nam, Việt Thuận, Hải An, Tân Bình, Trường Minh, Âu Lạc, An Hải, Songa, Đức, Singapore, Hy Lạp, Đài Loan, Nitc, … tiếp tục dự án đóng mới 4 tàu Hà lan đa năng, giàn Mumanskya; triển khai dự án hoán cải VLCC –FSO, dự án Hòa Phát giai đoạn 2.