Năm 2024 ghi nhận cuộc “đại nhảy vọt” trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam, lần đầu tiên vượt trên mốc 5 tỷ USD. Với kết quả này, ngành cà phê Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil.
Các ‘đại gia’ cà phê từ Nestle, Highlands Coffee, Trung Nguyên đang liên tục đầu tư các dự án hàng trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng để khẳng định vị thế cà phê Việt Nam.
Nestlé
Theo Báo Đồng Nai, ngày 27/4/2025, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nestlé Việt Nam tăng vốn đầu tư tại tỉnh thêm 75 triệu USD (khoảng 1.933 tỷ đồng), là một dự án tiêu biểu trong 1 loạt hoạt động đầu tư mới được đưa vào ngành cà phê.
Đây là một trong 6 dự án được UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư tại sự kiện, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 210 triệu USD. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có hơn 1.700 dự án đầu tư FDI, có vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD.

Khoản đầu tư của Nestle sẽ phục vụ việc mở rộng nhà máy Nestle Trị An tại khu công nghiệp Amata, nâng tổng số vốn đầu tư tại nhà máy này lên hơn 4.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2024–2025. Đây là một trong những nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất của Tập đoàn Nestlé.
Một số thương hiệu quen thuộc được sản xuất tại Nestlé Trị An bao gồm Nescafé, Nescafé Dolce Gusto, Nespresso, Starbucks và Blue Bottle. Các sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu sang hơn 35 thị trường trên toàn thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hoạt động mở rộng này sẽ nâng tổng vốn đầu tư của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho đến nay lên gần 20.200 tỷ đồng, sau hơn 3 thập kỷ.
Highlands Coffee
Ngày 16/4/2025, Highlands Coffee chính thức khánh thành Nhà máy rang xay cà phê Highlands Cái Mép tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ rang xay tân tiến hàng đầu thế giới.

Với tổng diện tích gần 24.000 m², nhà máy được trang bị công nghệ rang PROBAT tiên tiến từ Đức, hệ thống đảm bảo chất lượng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, và quy trình tự động hóa đảm bảo đồng nhất và chính xác ở quy mô lớn.
Nhà máy được thiết kế để có thể dễ dàng mở rộng quy mô trong tương lai, hướng tới mục tiêu đạt công suất 75.000 tấn mỗi năm khi đi vào vận hành ổn định.
Dự án chiến lược này khẳng định cam kết của Highlands Coffee trong việc kế thừa và phát huy kỹ nghệ rang xay cà phê vốn có của Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng kỳ vọng ngày càng khắt khe từ thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2024, Highlands Coffee, cũng chính là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam, ghi nhận EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao) đạt 2,34 tỷ peso, tương đương 1.050 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ, theo báo cáo của ông chủ Philippines Jollibee.
Trung Nguyên
Ngày 10/3/2025, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, Trung Nguyên Legend đã phối hợp tổ chức lễ động thổ nhà máy cà phê năng lượng lớn bậc nhất Đông Nam Á tại Cụm công nghiệp Tân An 2, Tp. Buôn Ma Thuột.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô gần 1.000 tỷ đồng. Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend được trang bị công nghệ hiện đại bậc nhất của Đức, Ý…và hợp tác với các thương hiệu công nghệ hàng đầu toàn cầu.
Đây được xem là nhà máy sản xuất cà phê lớn bậc nhất Đông Nam Á, và là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk có vai trò đặc biệt trong việc định hình ngành cà phê Việt Nam khi tham gia vào chuỗi chế biến hết, chế biến sâu và chế biến tinh.
Đây là nhà máy thứ 5 trong hệ thống nhà máy sản xuất cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Việc động thổ nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend là hoạt động cụ thể tiếp theo của Trung Nguyên Legend trong hành trình nâng cao giá trị hạt cà phê Robusta Buôn Ma Thuột.
Dự án FDI 2.000 tỷ tại Bình Định
Ngày 17/9/2024, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh tại tỉnh.

Dự án do Công ty Future Enterprises Pte.Ltd (thuộc Tập đoàn Food Empire của Singapore) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD), công suất chế biến đạt 5.400 tấn cà phê/năm.
Dự án được triển khai trên diện tích 7,1 ha, tại Khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định. Dự án sẽ được triển khai đầu tư từ quý III/2024 và hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh toàn bộ vào đầu năm 2028. Thời hạn hoạt động của dự án là đến tháng 8/2070.
Ông Tang Wang Cheow, Chủ tịch Tập đoàn Food Empire Holdings cho biết, tập đoàn cam kết đầu tư nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh hiện đại, đúng tiến độ, công suất nhà máy có thể cao hơn 25% so với công suất đã đăng ký đầu tư với tỉnh.
Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 4 đạt 83.572 tấn, trị giá 482,98 triệu USD, giảm 11% về lượng và 11,4% về trị giá so với nửa đầu tháng 3, đồng thời giảm 3% về lượng nhưng tăng 49,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4, xuất khẩu cà phê đạt 580.999 tấn, mang về 3,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2024 giảm 13,5% về lượng (tương đương 90.383 tấn), nhưng giá trị thu về tăng tới 46,8%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 ở mức 5.779 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng trước, nhưng tăng 54,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/4, giá xuất khẩu bình quân đạt 5.685 USD/tấn, tăng gần 70% so với cùng kỳ.