Theo TTXVN, tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, diễn ra ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong hiện tại và tương lai.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngành hạt nhân Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực. Báo cáo nêu rõ, nguồn nhân lực hiện tại còn ít, chất lượng chưa cao, trong khi cơ sở vật chất lạc hậu và hoạt động đào tạo hạn chế. Nhân lực ngành này hiện tập trung chủ yếu tại Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), để vận hành nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000MW (2 tổ máy, mỗi tổ 1.000MW), cần đội ngũ vận hành từ 600-1.200 người với kinh nghiệm thực tiễn 5-10 năm. Đối với hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Việt Nam sẽ cần khoảng 2.400 nhân lực để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu và bảo dưỡng nhà máy an toàn.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cần 2.400 nhân lực. Ảnh minh họa |
Ngoài nhân lực trực tiếp, ngành còn cần thêm 350 chuyên gia cao cấp, gồm luật sư hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng các chuyên gia lĩnh vực liên quan. Để đảm bảo công tác nghiên cứu và đào tạo, ngành cần bổ sung thêm khoảng 250 nhân sự.
PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, mỗi nhà máy điện hạt nhân 1GW cần khoảng 700-750 nhân lực, bao gồm các bộ phận vận hành, bảo trì và phục vụ. Các trường thuộc Bộ Công Thương có thể đảm nhận một phần công tác đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nhiều kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân đã chuyển sang ngành nghề khác hoặc tiếp tục học tập ở nước ngoài, khiến nguồn nhân lực trong nước càng trở nên khan hiếm.
Đến nay, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo khoảng 188 kỹ sư ngành điện hạt nhân, nhưng số lượng còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành dự báo nhu cầu nhân lực và xây dựng kế hoạch đào tạo cho ngành điện hạt nhân trong quý I/2025. Các cơ sở đào tạo cũng cần đăng ký chỉ tiêu đào tạo với cơ quan có thẩm quyền trước quý II/2025.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo chuẩn cho nhân lực ngành điện hạt nhân. Đồng thời, Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII sửa đổi, ưu tiên phát triển điện hạt nhân, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế.
>> Trường Đại học Điện lực hợp tác Nhật Bản đào tạo nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2