Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, ngày 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng năm 2025 sẽ là thời điểm bứt phá trong việc thực hiện các nội dung của hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025, đồng thời đặt nền tảng cho định hướng hợp tác mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Bộ trưởng đã đề xuất một số định hướng trọng tâm nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
>> Việt Nam đã đầu tư hơn 5,5 tỷ USD vào Lào
Trước tiên, Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì quan điểm nhất quán: Càng đối mặt với khó khăn, hai nước càng phải đoàn kết, gắn bó bền chặt để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh; kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách; kinh nghiệm thu hút các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển trên tinh thần hợp tác thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng, “cùng thắng”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại bằng cách ưu tiên thu hút doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của Lào. Cơ chế hợp tác liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài cũng cần được khai thác triệt để nhằm hiện thực hóa các dự án đầu tư tại Lào.
“Phía Lào ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam – Lào. Tham vấn hai bên xem xét các dự án hợp tác dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba”, Bộ trưởng kiến nghị.
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Dũng đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch từ 10-15% mỗi năm, thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối hàng hóa tại mỗi nước. Điều này không chỉ đảm bảo sự hiện diện ổn định của sản phẩm mà còn mang lại đầu ra bền vững cho doanh nghiệp.
Một điểm then chốt là các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia vào kế hoạch kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt trong tiến trình hỗ trợ Lào có biển và sở hữu cảng riêng. Điều này bao gồm việc xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt hiện đại, nhằm mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế và thúc đẩy nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Hiện tại, Chính phủ hai nước đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm. Trong đó, nổi bật là các dự án như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1, 2, 3 cảng Vũng Áng, dự án đường cao tốc Hà Nội – Vientiane, dự án đường sắt Vientiane – Vũng Áng.
Bên cạnh quyết tâm của hai Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đóng vai trò không thể thiếu. Các hình thức và phương thức hợp tác đa dạng sẽ là chìa khóa để huy động hiệu quả các nguồn lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo thành công cho các dự án quan trọng này.
>> Việt Nam đã cung cấp 36 triệu lít xăng dầu giúp Lào ‘vượt khó’