Tại Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam chiều 14/5, các nhà đầu tư quốc tế nhận định Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, họ cho rằng cơ hội này chỉ thực sự trở thành lợi thế dài hạn nếu Việt Nam sớm xác lập chiến lược phát triển rõ ràng cho thập kỷ tới.
Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital – đại diện một quỹ đầu tư quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, cho biết ESG là “bộ lọc” không thể thiếu trong mọi quyết định rót vốn. Trong hơn 1.650 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, quỹ của ông chỉ tập trung theo dõi khoảng 25 công ty có cam kết cụ thể và hành động rõ ràng theo các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
“Chúng tôi không đầu tư vì đam mê hay lợi nhuận ngắn hạn. Chúng tôi tìm kiếm những doanh nghiệp có tư duy dài hạn, biết mình đang ở đâu và muốn đi đến đâu trên hành trình phát triển bền vững”, ông nói.
- Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital (bên trái) và Peter Hauggaard, Giám đốc điều hành Ecolean Việt Nam (bên phải) đang thảo luận về ESG trong doanh nghiệp tại hội nghị ở TP HCM. Ảnh: Thi Hà
Phát triển bền vững, theo ông, không chỉ là tiêu chí đạo đức mà còn là chiến lược đầu tư hiệu quả. Quỹ tập trung vào các doanh nghiệp có quản trị tốt, minh bạch, và quan hệ xã hội lành mạnh. Hiện 100% doanh nghiệp trong danh mục của Dynam Capital đều nằm trong thang đánh giá ESG, với mức điểm dao động 55-60%, cũng có công ty đạt đến 80%. Craig nhấn mạnh điều quan trọng không phải là điểm số tuyệt đối, mà là xu hướng cải thiện theo thời gian.
Ông dẫn chứng, PNJ – doanh nghiệp trong ngành trang sức đang nằm trong rổ đầu tư của công ty ông. Doanh nghiệp này đã thành lập ủy ban ESG riêng. Hay Gemadept – doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics – cũng đang cải thiện báo cáo khí thải carbon, thể hiện vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường quan hệ với nhà đầu tư. Dẫu vậy, không ít doanh nghiệp đã bị loại khỏi danh mục đầu tư của quỹ do thiếu phản hồi cụ thể hoặc chỉ dừng lại ở lời nói mà không có hành động thực chất.
Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, ESG cũng định hình lại chuỗi giá trị. Peter Hauggaard, Giám đốc điều hành Ecolean Việt Nam – một tập đoàn FMCG toàn cầu – cho biết phát triển bền vững hiện diện trong từng quyết định sản phẩm: từ nguyên liệu đầu vào đến bao bì và xử lý rác thải. “Một sản phẩm bao bì mà công ty đang sản xuất có đến sáu lớp vật liệu, trong đó có lớp bảo vệ hương vị nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Đó không chỉ là cải tiến kỹ thuật, mà là chiến lược ESG được thực thi cụ thể”, ông nói.
Mimi Vũ, đồng sáng lập Raise Partners – tổ chức tư vấn ESG tại Việt Nam – nhấn mạnh 3 tiêu chí trên còn là công cụ quản trị rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình từ cận biên thành thị trường mới nổi. Bà đánh giá cao những chuyển biến chính sách, đặc biệt là Thông tư 68 – dấu mốc đưa ESG vào khung pháp lý cho khu vực tư nhân. “Chính phủ đã tạo ra đường băng, giờ là lúc doanh nghiệp cần cất cánh”, bà chia sẻ.
Các chuyên gia đồng thuận rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục, năng lượng tái tạo và hạ tầng cho lực lượng lao động, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Bởi theo Mimi, không thể chỉ đào tạo nghề ở thành phố lớn, Việt Nam cần mở rộng cơ hội học tập và kỹ năng số đến cả nông thôn.
ESG hiện mới chủ yếu được áp dụng ở các tập đoàn lớn và quỹ đầu tư quốc tế. Để tạo sức bật cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam – cần được hỗ trợ vượt qua rào cản thực thi.
Tại diễn đàn ESG cuối tháng 4, ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, đề xuất loạt giải pháp nhằm cải thiện tiếp cận tài chính xanh: cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh từ 30-50%, rút gọn tiêu chí trên còn 10-12 chỉ số cốt lõi, thúc đẩy chuyển đổi số và dữ liệu xanh, cải cách thuế (miễn hoặc giảm 2-4 năm), và xây dựng mạng lưới cố vấn tiêu chí phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Việc xác lập phát triển bền vững như ưu tiên chiến lược, cùng chính sách hỗ trợ thiết thực, sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.
Việt Nam hiện được giới đầu tư quốc tế nhìn nhận tích cực nhờ chính sách cởi mở và cam kết hội nhập. Nhưng như Craig cảnh báo, họ không thể đầu tư vào nơi không có cùng chuẩn mực. ESG không phải trào lưu, mà là tiêu chuẩn.
Thi Hà