Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa công bố BCTC quý 4/2024 với doanh thu đạt 26.829 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm giúp doanh nghiệp này lãi gộp 4.377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp hơn 189 tỷ đồng,
Trong kỳ, các chi phí của hãng bay này đầu tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính tăng 147% lên 1.851 tỷ đồng. Khoản mục này tăng vọt do Vietnam Airlines chịu lỗ tỷ giá 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng bay lại được hoàn nhập 528 tỷ đồng các khoản phạt về chậm trả thuế, vi phạm hợp đồng.
Kết quả, hãng bay này báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 921 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines có lãi trên dưới nghìn tỷ.
Lũy kế năm 2024, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 106.753 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 6.883 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp này trong một năm.
Giai đoạn trước Covid, hãng bay lãi trong khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng/năm. Kết quả đột biến của năm 2024 là nhờ trong 2 quý đầu năm được giảm nợ và hoãn nợ. Đến quý 3/2024 và quý 4/2024 doanh nghiệp này đã hoạt động ổn định trở lại.
Tuy vậy, tại thời điểm 31/12/2024 Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 34.307 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm hơn 10.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt mức 58.064 tỷ đồng.
Cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua các giải pháp để gỡ khó cho hãng hàng không từ ảnh hưởng của đại dịch. Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo hai giai đoạn, khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.
Trong đó, giai đoạn 1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được phép thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi hãng thực hiện phương án tăng vốn giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Quốc hội còn cho phép Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024.