spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpVinaCapital tiết lộ về quỹ mới: Quy mô 75 triệu USD rót...

VinaCapital tiết lộ về quỹ mới: Quy mô 75 triệu USD rót vốn vào công ty công nghệ, đã có "kim chủ" đứng sau

Ông Hoàng Đúc Trung cũng "tiết lộ" VCVCF III đã xác định được nhà đầu tư chủ chốt là một tập đoàn đa ngành ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành quỹ VinaCapital Ventures đã có những chia sẻ về dự định đầu tư của quỹ cho năm 2025, đặc biệt là quỹ thứ ba quỹ mang tên VCVCF III.

Theo vị này, công nghệ sẽ là một trong những trọng tâm đầu tư chiến lược của tập đoàn từ năm 2025 và trong thời gian tới. Thực tế, từ 18 năm trước, VinaCapital đã là một trong những đơn vị đầu tư vào công nghệ sớm nhất ở Việt Nam. Tiếp nối điều này, quỹ thứ ba của VinaCapital Ventures (VCVCF III) sẽ được ra mắt, tập trung chính vào các lĩnh vực mới gồm AI, IoT…

Ô ng có thể tiết lộ quỹ VCVCF III dự kiến có quy mô bao nhiêu, rót vốn vào những lĩnh vực nào?

Ông Hoàng Đức Trung: Quỹ VCVCF III dự kiến sẽ ra mắt trong nửa đầu năm 2025 với quy mô 75 triệu USD.

Quỹ đầu tiên của VinaCapital đã đầu tư vào các lĩnh vực Internet và truyền thông quảng cáo cách đây 18 năm. Quỹ thứ hai đã đầu tư vào chuyển đổi số cho các ngành truyền thống như tài chính, logistics và tiêu dùng.

Với quỹ thứ ba là VCVCF III, mục tiêu đầu tư của chúng tôi sẽ là tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế số đối với những ngành như y tế, tài chính và thêm vào đó các ngành mới nổi như AI, năng lượng và blockchain.

Nhìn từ sự thành công của hai quỹ trước, VCVCF III có kỳ vọng như thế nào?

VCVCF III là quỹ mà chúng tôi kỳ vọng nhất từ trước nay, điều này đến từ cả nội tại và ngoại lực. Về nội tại, đội ngũ của VCVCF III có các thành viên hoạt động 18 năm. Đội ngũ cũng đã đầu tư vào một công ty từ giai đoạn khởi nghiệp và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Quỹ đầu tư mạo hiểm thứ nhất đã kết thúc vòng đời và mang lợi nhuận (3.74x MOIC) về cho nhà đầu tư. Quỹ thứ hai mặc dù chưa kết thúc nhưng cũng đã có những dấu ấn với Sygnum, một ngân hàng tài sản số, vừa trở thành kỳ lân tiếp theo của khu vực.

Về ngoại lực, Việt Nam đang ở vị thế tốt nhất từ trước đến giờ. Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội từ những thay đổi về địa chính trị, hạ tầng đang được ưu tiên nâng cấp và cải thiện để hấp thụ nguồn vốn FDI hiệu quả hơn trong khi nguồn lao động trẻ thì nhiều có nhiều động lực phát triển và có năng lực cạnh tranh cao.

VCVCF III đã có những nhà đầu tư nào ngỏ lời đầu tư?

VCVCF III đã xác định được nhà đầu tư chủ chốt là một tập đoàn đa ngành ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Quỹ cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư là các tập đoàn, các tổ chức tài chính và quỹ gia đình khác trong khu vực.

Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành các thủ tục hành chính cần thiết để các nhà đầu tư tham gia vào quỹ sớm nhất.

VCVCF III sẽ đầu tư vào những doanh nghiệp công nghệ nào?

Chúng tôi đã có một danh sách những công ty tiềm năng phù hợp cho tiêu chí của VCVCF III để có thể sẵn sàng đầu tư khi quỹ chính thức ra mắt. Danh sách này bao gồm các công ty ở Việt Nam và cả các nước Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan.

Tiêu chí chọn doanh nghiệp của VCVCF III ra sao?

VCVCF III tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp đã có giải pháp và sản phẩm được thị trường chấp nhận, đội ngũ quản lý có chuyên môn, đã xác định được kế hoạch kinh doanh rõ ràng dẫn đến việc có lợi nhuận, có chiến lược thâm nhập thị trường chi tiết và đang ở giai đoạn tăng trưởng và mở rộng thị phần.

Nhiều người cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu cuộc chơi công nghệ, ông có đồng ý với quan điểm này không?

Đây là một ý tưởng táo bạo mà tôi cho rằng có khả thi. Việt Nam có thể dẫn đầu cuộc chơi công nghệ ở khu vực. Tuy nhiên để làm được điều này Việt Nam sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, cần có đội ngũ dẫn dắt được tiếp cận với các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, và thương mại hóa công nghệ.

Thứ hai, cần các tổ chức ở quy mô trung bình và lớn cởi mở hơn với các giải pháp công nghệ trong nước. Song song, phát triển thêm các doanh nghiệp lớn sở hữu công nghệ nguồn, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Thứ ba, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng bao gồm: Hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, an ninh mạng, quyền sở hữu trí tuệ…

Một trong những thách thức là nhân sự đang thiếu hụt, hành lang pháp lý cũng chưa hoàn thiện (bằng chứng là việc Google phải chuyển kế hoạch trung tâm dữ liệu sang Thái Lan)… VinaCapital nhìn nhận sao về những thách thức này?

Về vấn đề nhân sự, hiện tại Việt Nam chỉ có khoảng 300 chuyên gia về AI và chỉ khoảng 30% kĩ sư và lập trình viên đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, phần còn lại vẫn cần phải qua đào tạo từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên tính cả 70% còn lại thì Việt Nam vẫn thiếu khoảng 150.000 kỹ sư và lập trình viên mỗi năm.

Việc thiếu cả về lượng và chất sẽ không thể giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng các chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài hoặc các chương trình thực tập sinh cho sinh viên có hỗ trợ từ chính phủ có thể phần nào giảm bớt khó khăn này.

Ví dụ như chương trình thực tập sinh của Enterprise Singapore, một cơ quan chính phủ Singapore, tạo điều kiện cho các sinh viên Singapore ở một số đại học có thể thực tập cho các doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo họ, các doanh nghiệp này sẽ được chính phủ hỗ trợ một phần chi phí cho các thực tập sinh. Điều này giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực của sinh viên khi ra trường trong khi tận dụng được nguồn nhân lực chưa tốt nghiệp.

Về pháp lý, Việt Nam cần phải đảm bảo rằng hành lang pháp lý về mặt quản lý nhưng vẫn đồng bộ với các khung pháp lý trong khu vực và quốc tế. Điều này làm cho các công ty công nghệ dễ dàng định hướng hoạt động ở Việt Nam hơn.

Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng với sự quan tâm và hiện diện ngày càng lớn của các công ty công nghệ ở Việt Nam như NVIDIA, Google, hay Meta.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật