Đây là thông tin được Vingroup công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, tập đoàn này đã phát hành 5 lô trái phiếu trong giai đoạn từ ngày 11/4 đến ngày 9/5.
Lô VIC12502 có kỳ hạn 38 tháng, đáo hạn vào tháng 6/2028, những mã trái phiếu còn lại sẽ có thời hạn 2 năm. Lãi suất dao động quanh 12-12,5% một năm – mức cao trên thị trường hiện nay.
Theo báo cáo tài chính quý I của Vingroup, tổng nợ vay tài chính của tập đoàn này ở mức 248.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 75.336 tỷ đồng. Quý đầu năm, công ty đã chi 5.579 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay, tương đương bình quân 62 tỷ đồng một ngày.
Trước đó, tập đoàn này đã công bố 3 Nghị quyết về kế hoạch phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng hơn 50.300 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, ngành bất động sản đóng góp 12.490 tỷ đồng trong số này. Vingroup, với 9.000 tỷ huy động được trong tháng 4, đóng góp 72% số trái phiếu các công ty địa ốc đã phát hành năm nay.
Nói với VnExpress, giám đốc một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước nhận định, trái phiếu bất động sản đang ấm dần trong quý II và nửa cuối năm nhờ cộng hưởng 3 yếu tố là tiến độ pháp lý dự án được đẩy nhanh, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu phát hành để tái cơ cấu nợ trái phiếu đáo hạn.
Việc nhiều bộ luật liên quan đến bất động sản được hoàn thiện và gỡ vướng mắc pháp lý dự án là yếu tố quan trọng nhất. Nhiều chủ đầu tư nhờ đó đẩy nhanh tốc độ triển khai và thêm động lực huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Người này nói thêm, các đợt phát hành lớn của doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 đều được hấp thụ nhanh. Điều đó phản ánh sự phục hồi trong nhu cầu vốn và niềm tin của trái chủ về sự ổn định của thị trường bất động sản.
Trọng Hiếu