Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup chứng kiến mức giảm 1,13% xuống mức giá 43.700 đồng/cp. Thanh khoản của cổ phiếu này khi hết phiên ở mức gần 2 triệu đơn vị được khớp lệnh. Kể từ đầu năm cho tới nay, thị giá của VIC dao động quanh vùng 40.000 – 50.000 đồng/cp, có lúc cũng đã mất mốc 40.000 đồng.
Ở mức giá 43.700 đồng/cp, giá trị vốn hóa của Vingroup đạt mức hơn 167.000 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD), giảm 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6 Vingroup cũng đã chính thức rời khỏi top 10 công ty có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thực tế, mức giảm từ đầu năm của cổ phiếu VIC là không quá lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rời khỏi top 10 này đến từ việc vốn hóa của nhiều doanh nghiệp ngoài top tăng phi mã trong nửa đầu năm 2024.
Ví dụ như vốn hóa của Viettel Global tăng gần 200.000 tỷ đồng; ACV tăng hơn 100.000 tỷ đồng; FPT hay Techcombank cũng tăng đến hơn 50.000 tỷ đồng. Các công ty này đều chứng kiến sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2024, tạo đà tăng cho cổ phiếu.
Một cổ phiếu khác trong họ Vingroup là Vinhomes cũng chứng kiến mức giảm vốn hóa từ đầu năm. Cụ thể, giá trị của công ty địa ốc top đầu Việt Nam đã giảm hơn 18.000 tỷ đồng, thuộc diện nhiều nhất trên sàn chứng khoán.
Ngoài việc các công ty khác ghi nhận vốn hóa tăng mạnh trong nửa đầu năm, việc các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào Vingroup cũng khiến cổ phiếu VIC chưa thể bứt phá. Câu chuyện của Vingroup hiện nay gắn liền với đơn vị thành viên là VinFast.
Hãng xe điện này dù có nhiều chuyển biến tích cực kể từ đầu năm 2024 nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính khi vẫn đang “đốt tiền”. Trên bình diện quốc tế, cổ phiếu VFS của VinFast cũng đã giảm gần một nửa từ đầu năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam từng chia sẻ với chúng tôi rằng tiềm năng tiềm năng tăng trưởng ngắn hạn của cả Vingroup hay Vinhomes sẽ phải dựa vào thanh khoản của thị trường bất động sản. Nếu Luật đất đai sửa đổi có thể sẽ sớm được ban hành thì có thể sẽ khơi thông dòng vốn của ngành bất động sản, khiến thị trường này sôi động trở lại.
Còn tiền năng dài hạn của Vingroup sẽ phải dựa vào kết quả kinh doanh của VinFast. Hiện tại, tất cả nguồn lực của Vingroup đều đã được dồn cho VinFast vì công ty này mới trong giai đoạn bắt đầu đầu tư để mở rộng thị trường, xây dựng nhà máy và tiến ra nước ngoài.
Tại cuộc họp ĐHCĐ vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng cho biết tiềm năng của VinFast là cực kỳ lớn. Vị tỷ phú này cho biết xe điện sẽ không bao giờ hết thời mà sẽ là xu thế bền vững. Hiện nay thế giới đã bắt đầu có những công nghệ mới về pin và dần dần pin sẽ rẻ đi, từ đó giá thành sẽ điện cũng sẽ rẻ đi, thậm chí chỉ ngang xe xăng.
Ông Vượng cũng chia sẻ thêm rằng VinFast có thể hòa EBITDA từ năm 2026, dần dần từng bước sẽ có lãi. Tại một số thị trường cũng đã có lãi nhưng trên nền 3 không: Không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính. Điều này có nghĩa là đây là số tiền công ty bỏ ra để đầu tư, không tính vào chi phí. Dần dần từng bước công ty sẽ tính được các chi phí này vào giá xe. Dòng tiền sẽ dương từ năm 2026.
Ông Phạm Nhật Vượng khẳng định Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đây không chỉ đơn thuần là câu câu chuyện kinh doanh. Bây giờ VinFast là câu chuyện trách nhiệm của Vingroup. “Năm ngoái tôi đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD. Tới đây tôi sẽ thu xếp tài sản của mình và tài trợ thêm 1 tỷ USD nữa cho hãng xe điện. Tôi cũng mong mọi người cùng chung tay đóng góp”, tỷ phú này nhấn mạnh.
Cuối tháng 5 vừa qua, Vingroup và Tập đoàn Mitsubishi Corporation ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác chiến lược toàn diện. Với 5 lĩnh vực trọng tâm là phát triển đô thị, phát triển trung tâm xử lý dữ liệu, năng lượng tái tạo, tái chế dầu ăn và công nghiệp ô tô, hai bên kỳ vọng sẽ cùng nhau đạt được những thành tựu mới trong hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và quốc tế.