spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp'Vỡ mộng' sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0...

‘Vỡ mộng’ sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?

Hãy cùng chúng tôi trao đổi với ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest để có những góc nhìn thực tiễn về vấn đề này.

Là một nhà đầu tư chứng khoán, ai cũng mong cổ phiếu mình nắm giữ tăng giá. Những đợt sóng tăng luôn là cơ hội hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn nhà đầu tư mới lại thường thua lỗ sau các giai đoạn thị trường bùng nổ. Vậy tại sao điều này lại xảy ra?

Hãy cùng chúng tôi trao đổi với ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest để có những góc nhìn thực tiễn về vấn đề này.

Vỡ mộng sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?
Ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest

PV: Khi thị trường bước vào sóng tăng, phần lớn nhà đầu tư F0 trên thị trường đều khoe lãi. Tuy nhiên, đến khi hết sóng, 90% nhà đầu tư mới đều trắng tay. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Ông Trần Đức Hiền: Ban đầu tham gia, nhà đầu tư thường mua lượng tiền ít thăm dò, đến khi cổ phiếu tăng mạnh mới bắt đầu mua đuổi. Nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường thường không tìm hiểu chuyên sâu nên ít có niềm tin vào cổ phiếu đang nắm giữ. Giai đoạn đầu, họ thường chỉ dám bỏ một phần vốn nhỏ để mua thăm dò.

Tuy nhiên, khi cổ phiếu bắt đầu tăng mạnh và có lãi, họ cảm thấy tiếc nuối vì trước mình đã mua quá ít. Lòng tham lấn át và họ bắt đầu bỏ thêm tiền để “trung bình giá lên”. Kết quả là khi cổ phiếu tăng lên đến vùng đỉnh thì số tiền mà người này mua đã rất lớn, thậm chí có nhiều người tham lam còn “full margin” tại đỉnh. Và chỉ cần một nhịp rũ hàng giảm từ 15-20% là nhiều tài khoản của nhà đầu tư thua lỗ nặng.

PV: Thưa ông Hiền, việc áp dụng nguyên tắc “Bỏ trứng vào nhiều giỏ” khi đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu có phải là một chiến lược tốt hay không?

Ông Trần Đức Hiền: “Bỏ trứng vào nhiều giỏ” là nguyên tắc khá phổ biến áp dụng trong đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, nếu danh mục mua quá nhiều cổ phiếu, hiệu suất đầu tư sẽ giảm đi trông thấy. Có nhiều nhà đầu tư mới, cả danh mục có đến mấy chục cổ phiếu, khi một cổ phiếu trong số đó tăng mạnh, do nắm giữ tỷ trọng thấp nên hiệu quả sinh lời không đáng kể.

Đến lúc thị trường bước vào sóng giảm, việc quản lý danh mục trở nên khó khăn hơn, dẫn tới cả danh mục nhuốm một màu đỏ với mức lỗ từ 30-50%. Để đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư nên chỉ tập trung từ 3 và tối đa 5 mã cổ phiếu để vừa tối ưu hiệu quả đầu tư lại vừa đảm bảo an toàn cho danh mục tài sản của mình.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về tâm lý sai lầm hay mắc phải của nhà đầu tư mới khi giao dịch trên thị trường không?

Ông Trần Đức Hiền: “Đứng núi này, trông núi nọ” – đây là tâm lý thường xuyên gặp phải của nhiều nhà đầu tư mới. Việc mua cổ phiếu của nhóm nhà đầu tư này không đến từ việc phân tích kỹ lưỡng cơ bản hay kỹ thuật của cổ phiếu, cách họ làm là nghe ngóng từ người khác, các group chứng khoán hay các thông tin “bánh vẽ” từ truyền thông. Nên mặc dù đang nắm giữ một cổ phiếu tốt có khả năng sinh lời cao, nhưng chỉ một vài phiên giá cổ phiếu không tăng, họ sẵn sàng bán ra để chuyển sang các cổ phiếu khác đang được tung hô. Với những cổ phiếu đang được các đội nhóm và truyền thông PR với những kỳ vọng sinh lời lớn, giá thường đã được thổi lên rất cao và nhà đầu tư thường mắc bẫy đu đỉnh.

Gồng lãi thì khó nhưng gồng lỗ thì dễ. Trong một pha tăng, với nhà đầu tư mới, việc gồng lãi trở nên rất khó bởi hành động của họ bị chi phối bởi cảm xúc rất nhiều. Khi một “siêu cổ phiếu” mới chỉ tăng được 5-10%, tâm lý của nhà đầu tư là sợ bị “úp bô” và họ thường chốt lời ngay để chuyển sang một mã cổ phiếu khác chưa tăng với kỳ vọng kiếm lãi kép. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, phần đông những cổ phiếu chưa tăng này đều là những cổ phiếu yếu, bị thị trường đánh giá thấp. Kết quả là “siêu cổ phiếu” ban đầu vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ, còn cổ phiếu mới mua không sinh ra lợi nhuận. Cả con sóng lớn tăng trưởng đến 40-50% thì nhà đầu tư này chỉ lãi vỏn vẹn 5-10%, một số người thậm chí còn thua lỗ.

Tuy nhiên khi bước vào pha giảm, sức bền của nhà đầu tư mới tăng lên đáng kể. Khi bị lỗ, phần đông đều rất xót tiền và họ luôn nghĩ cổ phiếu cơ bản tốt thì kiểu gì rồi cũng phục hồi trở lại. Họ nắm giữ bất chấp giá cổ phiếu rơi 10-20% và quan niệm rằng chỉ bán ra khi ít nhất phải hòa vốn hoặc có lời. Cuối cùng, khi giá cổ phiếu giảm đến 40-50% thì các tin xấu về doanh nghiệp mới được công bố. Họ bắt đầu bán ra trong hoảng loạn, cũng chính là lúc thị trường tạo đáy đi lên.

Do thiếu kiên nhẫn và không có chiến lược cụ thể trong đầu tư, phần lớn nhà đầu tư mới đã không tận dụng được cơ hội sinh lời trong một sóng tăng, đến khi thị trường bước vào pha giảm thì bị lỗ rất nặng.

Ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest

PV: Thị trường chứng khoán đầy cạm bẫy dễ khiến kẻ “tay mơ sa lưới”, làm thế nào để nhà đầu tư mới có thể mang thành quả trở về sau khi kết thúc một con sóng chứng khoán?

Ông Trần Đức Hiền: Muốn đầu tư thành công, nhà đầu tư cần lên chi tiết kế hoạch mua bán từ điểm bắt đầu cho tới khi kết thúc.

Thứ nhất, lựa chọn nhóm cổ phiếu tiềm năng. Nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm nên lựa chọn các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn (Bluechip) thuộc ngành nghề có tiềm năng phát triển, có ban lãnh đạo uy tín cùng với tình hình tài chính ổn định.

Thứ hai, mua đủ hàng khi cổ phiếu có tín hiệu ở chân sóng tăng. Khi thấy xu hướng giá cổ phiếu vượt ra khỏi vùng giảm giá và bước vào chân sóng tăng, nhà đầu tư cần mua đủ lượng hàng cần thiết để tránh mắc bẫy phải mua đuổi khi giá đã lên khá cao.

Thứ ba, kiên trì nắm giữ cổ phiếu từ chân sóng và chỉ bán ra khi có tín hiệu phân phối: Việc bán ra cổ phiếu không nên thực hiện theo cảm xúc mà cần tuân thủ các quy tắc đã vạch ra từ trước. Nhà đầu tư chỉ nên bán ra khi thị trường xuất hiện tín hiệu phân phối hoặc gãy xu hướng tăng giá.

Ví dụ với cổ phiếu HPG (Hòa Phát) thời điểm tháng 5/2020, khi cổ phiếu xác nhận vượt khỏi xu hướng giảm giá dài hạn kéo dài kể từ năm 2018 và xác nhận vùng chân sóng, nhà đầu tư nên gom đủ hàng tại vùng giá này.

Vỡ mộng sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?
Diễn biến giá HPG thời điểm tháng 5/2020

Lựa chọn điểm chốt lời: Kiên trì nắm giữ và chỉ bán dần hàng ra khi xuất hiện các vùng phân phối hoặc có tín hiệu gãy đường xu hướng tăng giá.

Xác định vùng phân phối: Vùng phân phối là vùng tại đó giá giao động trong một phạm vi hẹp rất lâu, vì áp lực bán ra lớn nên giá không thể tiếp tục đi lên. Khi nhận thấy vùng phân phối, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.

Từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022, giá HPG giao động trong phạm vi từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/cổ phiếu. Vùng phân phối kéo dài gần 1 năm là thời điểm mà nhà đầu tư nên thận trọng chốt lời.

Vỡ mộng sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?
HPG – Xác định vùng phân phối

Tín hiệu gãy xu hướng tăng: Đường xu hướng (trendline) là một đường thẳng thể hiện hướng đi giá của cổ phiếu. Trong 1 pha tăng, tại điểm giá xác nhận gãy đường xu hướng, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu ra. Thời điểm tháng 3/2022, giá cổ phiếu HPG có tín hiệu xác nhận gãy xu hướng tăng giá kể từ năm 2020, đây là điểm thoát hàng thích hợp.

Vỡ mộng sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?
HPG – Tín hiệu gãy xu hướng tăng

PV: Như cách ông phân tích hiện tại, theo ông có cổ phiếu nào thuộc nhóm ngân hàng đang ở vùng chân sóng mà nhà đầu tư nên quan tâm?

Ông Trần Đức Hiền: Cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank hiện đã vượt khỏi vùng giảm giá kể từ năm 2022. Thanh khoản gần đây được đẩy lên ở mức rất cao, từ 50-60 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.

Tôi cho rằng cổ phiếu này đang ở vùng chân sóng tăng mới, nhà đầu tư nên chú ý. Trong quá khứ, kể từ khi được niêm yết trên sàn, VPB đã có 2 con sóng tăng lớn (giai đoạn 2017-2018 và giai đoạn 2020-2021), mỗi lần đều có mức tăng ít nhất 90%. Hi vọng lần này, nhà đầu tư cũng sẽ gặt hái nhiều thành quả khi kiên nhẫn nắm giữ đủ lâu.

Vỡ mộng sau sóng tăng: Vì sao 90% nhà đầu tư F0 thường thua lỗ?
Diễn biến giá cổ phiếu VPB thời gian gần đây

Cảm ơn ông Trần Đức Hiền đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với độc giả của chúng tôi!

Bài viết này giúp nhà đầu tư mới có cái nhìn rõ hơn về các sai lầm thường gặp, từ đó cải thiện chiến lược đầu tư. Nội dung phỏng vấn không nhằm mục đích khuyến nghị, cung cấp tư vấn đầu tư cá nhân. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật