Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, ngày 3/11, ông Hồ Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau, xác nhận đã bị đình chỉ công tác không thời hạn. Ông cho biết: “Các xe đã hoạt động trở lại 100%. Chỉ là hiểu lầm thôi, phía công ty đã có thông cáo báo chí để làm rõ sự việc”.
Trước đó, vụ việc nhiều tài xế taxi điện Nam Thắng tại Cà Mau đồng loạt ngừng việc để yêu cầu quyền lợi sau khi Giám đốc công ty có hành động đập bàn, yêu cầu giải tán cuộc họp, đã gây chú ý.
Tài xế Phạm Hoàng Nhớ cho biết các đồng nghiệp đã quay lại làm việc bình thường sau khi công ty gặp mặt nhân viên và đạt được một số thỏa thuận. Anh chia sẻ: “Chính sách sạc điện của công ty sẽ miễn phí đến ngày 30/6/2027. Các vấn đề khác mà anh em tài xế phản ánh cũng đã được giải quyết khoảng 70%, nên mọi người đồng ý trở lại công việc”.
Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau, xác nhận đã bị đình chỉ công tác không thời hạn |
Trước đó, trên mạng xã hội, đoạn clip dài 37 giây ghi lại cảnh một người được cho là luật sư giải thích cho nhân viên về quyền lợi, chế độ làm việc và các điều khoản hợp đồng lao động khi làm việc tại Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau đã thu hút sự quan tâm lớn. Trong đoạn clip, ông Hồ Hoàng Anh bất ngờ đứng lên đập bàn và nói: “Giờ tôi nói ở đây nè, mấy anh không làm thì giải tán”. Hành động này khiến khoảng 100 người tham dự cuộc họp lập tức rời đi.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau được thành lập vào tháng 5/2024, tức chỉ mới hoạt động hơn nửa năm. Trụ sở chính đặt tại số MG1-22, đường MT03, phường 1, TP. Cà Mau. Công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ nội thành và ngoại thành, đồng thời mở rộng sang các ngành nghề khác như bán buôn, bán lẻ ô tô, sửa chữa, bảo dưỡng, môi giới và đấu giá hàng hóa.
Khi thành lập, công ty có vốn điều lệ ban đầu là 1,68 tỷ đồng, do ông Trần Bá Thắng giữ chức Tổng Giám đốc. Đến tháng 9/2024, công ty tăng vốn lên 6,8 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông, ông Trần Bá Thắng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 51%, trong khi ông Hồ Hoàng Anh sở hữu 19%.
Theo phản ánh của các tài xế, nguyên nhân đình công đến từ những chính sách mới được ban hành, khiến họ cảm thấy bị chèn ép. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc công ty buộc tài xế phải chịu khoản phí sạc xe điện, dù trước đó từng cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí này. Ngoài ra, các tài xế cũng kiến nghị lên hàng loạt bất cập khác liên quan đến hợp đồng lao động và điều kiện vận hành.