Tại buổi họp báo chiều ngày 12/12, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã làm việc với Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Thảo Cầm Viên) và thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Thảo Cầm Viên sẽ tiến hành rà soát và kê khai chi tiết từng phần diện tích đất sử dụng cho mục đích kinh doanh và không kinh doanh. Đồng thời, đơn vị này phải liên hệ với đơn vị có chức năng đo vẽ để lập bản đồ hiện trạng chi tiết ranh giới và diện tích, làm cơ sở xem xét và xác định rõ ràng.
Sau khi hoàn thành các bước trên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để nộp hồ sơ và đề nghị xem xét, trình UBND TP. HCM quyết định hình thức sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết đã làm việc với Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Thảo Cầm Viên) và thống nhất nhiều nội dung quan trọng |
Trước đó, Chi cục Thuế quận 1 đã thông báo số tiền nợ thuế của Thảo Cầm Viên tính đến ngày 31/10/2024 là hơn 846 tỷ đồng, trong đó 787 tỷ đồng là nợ quá hạn phải thực hiện cưỡng chế.
Nói về khoản nợ này, bà Hương Giang, lãnh đạo Thảo Cầm Viên, cho biết năm 2014, UBND TP. HCM đã ký quyết định cho công ty thuê diện tích 158.117m2 đất với mục đích sử dụng công cộng, thời hạn thuê 50 năm và tiền thuê đất hàng năm là 163,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, Thảo Cầm Viên chỉ sử dụng khoảng 5.600m2 cho hoạt động kinh doanh và đã đóng tiền thuê đầy đủ. Phần diện tích còn lại được sử dụng cho mục đích bảo tồn.
Bà Giang cũng chia sẻ rằng, nếu bị cưỡng chế thuế với số tiền lớn như vậy, hoạt động chăm sóc và bảo tồn động thực vật tại Thảo Cầm Viên sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến nguy cơ phải dừng hoạt động.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khởi công xây dựng vào ngày 23/3/1864, ban đầu mang tên Vườn Bách Thảo. Đến năm 1865, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm nhập về từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia. Sau đó, Thảo Cầm Viên được mở rộng lên diện tích 20ha và trở thành địa điểm quen thuộc của người dân Sài Gòn, được gọi bằng cái tên gần gũi “Sở Thú”, một tên gọi vẫn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay.