Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm dự kiến kéo dài 21 ngày, từ đó đưa ra phán quyết bảo đảm tâm phục khẩu phục bởi công tâm, đúng người, đúng tội
Hôm nay, 4-11, TAND Cấp cao tại TP HCM dự kiến mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án liên quan Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 1.
Cài cắm nhân sự
Đại án này được TAND TP HCM chia thành 2 giai đoạn xét xử. Tại bản án sơ thẩm giai đoạn 1 được tuyên hồi tháng 4 năm nay, TAND TP HCM nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty khác hoạt động trong mô hình tập đoàn, trong đó Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm kiểm soát.
Trước khi hợp nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Lan đã gián tiếp sở hữu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ). Bà đã dùng các cổ phần này làm tài sản thế chấp để vay vốn cho nhiều dự án bất động sản như Times Square và Windsor Plaza.
Sau khi các ngân hàng trên gặp vấn đề thanh khoản, bà Lan mua lại cổ phần và đưa nhân viên vào các vị trí quan trọng, thúc đẩy hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa thành SCB. Kế hoạch hợp nhất được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và có hiệu lực năm 2012.
Trong quá trình tái cơ cấu SCB, Ngân hàng Nhà nước thiết lập đề án với lộ trình cụ thể và giám sát chặt chẽ, đồng thời cung cấp khoản tái cấp vốn 19.750 tỉ đồng để hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, khi chiếm lĩnh SCB, bà Lan bố trí nhân sự thân cận vào các vị trí quản lý, bảo đảm họ tuân thủ chỉ đạo của mình.
Gây thiệt hại lớn
Giai đoạn 2012-2022, bà Trương Mỹ Lan cùng cộng sự đã rút tiền từ SCB thông qua hồ sơ vay vốn khống, vi phạm đề án tái cơ cấu. SCB đã giải ngân 1.066.608 tỉ đồng qua 2.527 khoản vay liên quan bà Lan. Đến năm 2022, 93% khoản vay này không có khả năng thu hồi và được xếp vào nhóm nợ xấu.
Theo bản án, dòng tiền từ 1.284 khoản vay (525.480 tỉ đồng) được dùng để trả nợ cũ tại SCB (57.029 tỉ đồng), chuyển ra ngoài SCB (381.303 tỉ đồng), chuyển nội bộ (5.275 tỉ đồng) và rút tiền mặt (81.873 tỉ đồng).
HĐXX bác bỏ nhiều lý lẽ bào chữa của các bị cáo; không chấp nhận quan điểm từ luật sư cho rằng việc xử lý 2 tội danh theo 2 giai đoạn là bất lợi cho các bị cáo và không phù hợp quy định pháp luật.
Dẫn nhiều căn cứ, HĐXX nhận định việc phân định xử lý 2 giai đoạn là cần thiết để xác định rõ trách nhiệm và thiệt hại tài chính do các hành vi này gây ra cho SCB. Việc này không chỉ bảo đảm tính công bằng mà còn thể hiện sự nghiêm minh trong áp dụng pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng.
HĐXX nhận định đây là vụ án mang tính tổ chức, có phân công nhiệm vụ, trong đó bà Lan giữ vai trò chủ mưu, đưa ra chỉ đạo, chủ trương cho đồng phạm thực hiện. Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”. 85 bị cáo khác lãnh những mức án tương xứng với hành vi phạm pháp.
“Đau đớn, tiếc nuối”
Sau khi TAND TP HCM tuyên án sơ thẩm, từ nơi giam giữ, bà Trương Mỹ Lan nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Trong hơn 5 trang viết tay, cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bày tỏ sự “đau đớn, tiếc nuối” và cho rằng bản án tử hình quá nặng nề với bản thân.
Mở đầu đơn kháng cáo, bà Lan cho biết luôn coi Việt Nam là quê hương và đã cống hiến cuộc đời mình vì sự phát triển.
Lãnh thêm án
Chiều 17-10, TAND TP HCM kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tuyên án 34 bị cáo trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức liên quan (giai đoạn 2).
HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Các cựu lãnh đạo SCB, người thân bị cáo Lan bị tuyên phạt nhiều tội danh, mức án khác nhau.
“Bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với một phụ nữ như tôi là quá nặng nề và quá nghiêm khắc. Tôi đã hy sinh cả cuộc đời, mang hết tâm huyết và niềm đam mê dành cho sự phát triển của đất nước Việt Nam quá sâu đậm, quên cả chính mình và gia đình” – bà viết.
Bà Lan tiếp tục nêu quá trình xây dựng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với mục tiêu phát triển những công trình có thể sánh vai cùng thế giới. Bà cho biết bản thân và gia đình đóng góp không ít cho cộng đồng qua hoạt động từ thiện và hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 như: xây bệnh viện dã chiến, tài trợ hàng triệu liều vắc-xin, xây dựng Bệnh viện An Bình tặng TP HCM.
Kể thêm việc hỗ trợ SCB theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước để ổn định hệ thống tài chính quốc gia, bà Lan mong tòa án xem xét khách quan hơn trách nhiệm cá nhân và gia đình mình trong vụ án. Những dòng cuối, bà Lan bày tỏ day dứt về hoàn cảnh của mình và hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật cũng như sự nhân đạo từ Đảng và Nhà nước…
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, thời gian xét xử dự kiến kéo dài 21 ngày.
Xin giảm nhẹ hình phạt
47 trong số 85 đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan cũng đã nộp đơn kháng cáo, trong đó có Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước. Bà Nhàn bị tuyên án chung thân về tội “Nhận hối lộ” sau khi nhận 5,2 triệu USD từ bà Lan để che giấu tình trạng tài chính yếu kém và các sai phạm nghiêm trọng trong cấp tín dụng của SCB, giúp ngân hàng này tiếp tục tái cơ cấu và huy động vốn từ các tổ chức, người dân.
Chung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là các cựu lãnh đạo SCB, gồm: Bùi Anh Dũng, Tạ Chiêu Trung, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh cùng với người thân của bà Lan là Chu Lập Cơ (chồng) và Trương Huệ Vân (cháu gái)…
Bên cạnh đó, các bên có quyền lợi liên quan như SCB, Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh cũng kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM.