UBCKNN vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Xi măng Công Thanh, địa chỉ tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể:
- Phạt tiền 92,5 triệu đồng do công ty không công bố thông tin theo quy định: Công ty không nộp các báo cáo tài chính quý IV/2022, quý I/2023, quý III/2023, và quý IV/2023. Bên cạnh đó, các báo cáo quan trọng như tình hình sử dụng tiền từ phát hành trái phiếu, hợp đồng kiểm toán năm 2023, và giải trình lợi nhuận sau thuế biến động… đều không được công bố đúng hạn.
- Phạt tiền 65 triệu đồng do công ty công bố thông tin không đầy đủ các tài liệu như Báo cáo quản trị năm 2023 không trình bày rõ ràng về giao dịch vay vốn từ Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Dạ Thảo (với khoản vay 10,1 tỷ đồng năm 2022, và lên đến 17,4 tỷ đồng vào năm 2023)…
- Phạt tiền 350 triệu đồng do công ty không đăng ký giao dịch chứng khoán: Mặc dù đã đăng ký công ty đại chúng từ năm 2009, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tổng số tiền phạt 507,5 triệu đồng. UBCKNN yêu cầu công ty khắc phục bằng cách hoàn tất nộp hồ sơ đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu trong vòng 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.
Âm vốn chủ sở hữu hơn 7.700 tỷ đồng
Tình hình tài chính của Xi măng Công Thanh đang trong trạng thái báo động khi tại thời điểm cuối quý II/2024, công ty âm vốn chủ sở hữu hơn 7.700 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng từ hơn 19.000 tỷ đồng đầu năm lên trên 19.500 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 7.300 tỷ đồng.
Thua lỗ triền miên 8 năm liên tiếp
Nguyên nhân khiến tình trạng tài chính báo động là kết quả kinh doanh ảm đạm. Năm 2023 vừa qua công ty thua lỗ 1.825 tỷ đồng, con số này còn tăng mạnh so với số lỗ 1.181 tỷ đồng của năm 2022. Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ với tổng lỗ trong 8 năm liên tiếp vượt 7.777 tỷ đồng.
Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2024, công ty lỗ thêm 741 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2024 lên 8.647 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi âm hơn 7.700 tỷ đồng.
- Năm 2023, công ty lỗ 1.825 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 1.181 tỷ đồng của năm 2022.
- Từ năm 2016 đến nay, công ty liên tục thua lỗ với tổng lỗ lũy kế vượt 8.647 tỷ đồng (tính đến 30/6/2024).
- Doanh thu cũng sụt giảm nghiêm trọng, từ 3.672 tỷ đồng năm 2018 xuống còn 500 tỷ đồng năm 2023. 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu chỉ đạt chưa đến 90 tỷ đồng.
Ngoài nguyên nhân doanh thu giảm sút, thì áp lực trả lãi vay cũng khiến kết quả kinh doanh thua lỗ nặng nề. Năm 2023, công ty phải chi trả 1.454 tỷ đồng tiền lãi vay. Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này đã lên tới 546 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của công ty là VietinBank (CTG), với dư nợ ngắn hạn 1.392 tỷ đồng (nợ dài hạn đến hạn trả) và nợ dài hạn 3.528 tỷ đồng.
>> Công ty kiểm toán ký ‘khống’ BCTC cho Quốc Cường Gia Lai (QCG), DFK Việt Nam, kinh doanh ra sao?
Kiểm toán từ chối cho ý kiến
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của Xi măng Công Thanh tiếp tục bị Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến. Theo kiểm toán viên, các yếu tố bất ổn nghiêm trọng bao gồm:
- Tổng lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu hơn 7.700 tỷ đồng.
- Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 2.900 tỷ đồng.
- Khoản vay đến hạn trả chưa thanh toán 1.192 tỷ đồng, và trái phiếu đến hạn trả 442 tỷ đồng chưa được thanh toán.
Ngoài ra, công ty còn tồn đọng hơn 398 tỷ đồng tiền lãi vay quá hạn chưa thanh toán. Kiểm toán viên nhận định rằng những vấn đề trên đặt ra nghi ngờ lớn về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đề ra.
Do tầm quan trọng của vấn đề, kiểm toán viên cho biết, không thể đưa ra kết luận soát xét về BCTC giữa niên độ đính kèm của công ty.
>> 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước báo lợi nhuận vượt 111.000 tỷ đồng