Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới, trong đó thuế dành riêng cho hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%.
Tuy nhiên, sau đó, phía Mỹ thông báo tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, mở cơ hội đàm phán với các quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Nếu chính thức áp dụng, mức thuế này sẽ khiến giá thành hàng hóa Việt Nam tại Mỹ tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp xuất khẩu – đặc biệt là ngành dệt may.
Tại Tổng Công ty May Hưng Yên (HUG), gần 2.000 công nhân đã phải tăng giờ, tăng ca suốt gần một tháng qua để đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
![]() |
Hàng nghìn công nhân phải tăng ca để hoàn thiện đơn hàng trước thời điểm bị Mỹ áp thuế |
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc công ty cho biết, 60% sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp xuất sang thị trường Mỹ, với mức thuế hiện hành từ 14%–18% tùy sản phẩm. Nếu mức thuế 46% được áp dụng, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Với các đơn hàng đã ký, chúng tôi buộc phải đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời chủ động liên hệ với đối tác để tìm phương án xử lý phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên, và theo sát diễn biến thị trường để tìm kiếm thị trường thay thế”. bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp tại Hưng Yên nói riêng và ngành dệt may nói chung đang đứng trước thách thức rất lớn vì 60%–70% sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Trước nguy cơ bị áp thuế cao, các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn tất đơn hàng, đồng thời kiến nghị Chính phủ và Hiệp hội ngành hàng tăng cường đối thoại với phía Mỹ và các đối tác nhập khẩu.
Về tiến trình đàm phán thuế quan, từ ngày 19–22/5/2025, vòng đàm phán thứ hai giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã diễn ra tại Washington D.C. Hai nước đã trao đổi toàn diện các nội dung theo tinh thần thiện chí, tôn trọng thể chế và hài hòa lợi ích.
Hai bên cùng chia sẻ thông tin về chính sách hiện hành, làm rõ các nội dung trong dự thảo hiệp định và thảo luận về cách tiếp cận tổng thể để tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc. Các nhóm kỹ thuật đã làm việc cởi mở, tập trung vào những lĩnh vực kinh tế – thương mại thuộc lợi ích cốt lõi của cả hai nước.
Cuối ngày làm việc thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi đàm phán riêng với Đại sứ, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer để thống nhất kết quả vòng đàm phán và chỉ rõ những nội dung cần tiếp tục làm rõ trong phiên đàm phán dự kiến vào đầu tháng 6/2025.
>>Bộ Công Thương cập nhật thông tin mới nhất về kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ