spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc Tế10 cuộc khủng hoảng tài chính thay đổi lịch sử thế giới...

10 cuộc khủng hoảng tài chính thay đổi lịch sử thế giới (P1)

Nhiều cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, mà còn tái định hình tiến trình phát triển của lịch sử thế giới.

Từ đà tụt dốc không phanh của thị trường chứng khoán đến sự sụp đổ của một loạt hệ thống ngân hàng, nhiều thảm họa tài chính đã xảy ra từ các biến cố không lường trước của thị trường, những quyết định sai lầm của giới lãnh đạo, bong bóng đầu cơ phát nổ hay việc lạm dụng những lỗ hổng kinh tế.

Dưới đây là 10 cuộc khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Không chỉ thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của các chính phủ, xã hội và lối sống của người dân, chúng còn châm ngòi cho các cuộc cách mạng chính trị, thay đổi chính sách quốc gia và biến đổi cấu trúc của các hệ thống tài chính toàn cầu.

“Cơn sốt” hoa tulip

Người Hà Lan thế kỷ 17 từng có giai đoạn “phát cuồng” vì … tulip, loài hoa được xem là biểu tượng cho giới thượng lưu của nước này ở thời điểm đó. Bong bóng đầu cơ nổi lên vào những năm đầu 1630 khi củ hoa tulip, đặc biệt là những giống hoa quý hiếm, được giới thượng lưu Hà Lan săn lùng.

Giá của những củ hoa tulip này tăng vọt đến mức cắt cổ do nhu cầu mua điên cuồng và giao dịch đầu cơ không kiểm soát. Khi cơn sốt lên đến đỉnh điểm vào năm 1637, một số củ hoa tulip thậm chí được bán với giá tương đương một căn biệt thự xa xỉ.

“Sự điên rồ của hoa tulip”, bức tranh mô tả cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ 17 của họa sĩ Jean-Léon Gérôme

Tuy nhiên, bong bóng cuối cùng đã vỡ, dẫn đến giá hoa tulip giảm mạnh, đẩy nhiều nhà đầu tư hoa đến bờ vực phá sản. “Cơn sốt hoa tulip” được xem là lời cảnh tỉnh đầu tiên trong lịch sử về sự nguy hiểm của tâm lý hưng phấn phi lý và tình trạng đầu cơ quá mức trên thị trường tài chính.

Bong bóng South Sea

Những năm 1720, nước Anh đã bị cuốn vào cơn sốt từ công ty South Sea – một doanh nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại sự giàu có không tưởng từ hoạt động giao thương với khu vực Nam Mỹ. Người Anh từ giới quý tộc đến tầng lớp bình dân đổ xô đi mua cổ phiếu của South Sea với niềm tin về cơ hội “đổi đời” chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của South Sea được thổi phồng quá mức so với thực tế. Khi lợi nhuận không xuất hiện, bong bóng vỡ, nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu công ty này lâm vào khánh kiệt. Chính phủ Anh phải ổn định thị trường bằng cách tiếp quản phần lớn nợ của công ty này và phân phối lại cổ phiếu cho các thực thể ổn định hơn như Công ty Đông Ấn.

Các quy định mới cũng được đưa ra, bao gồm Đạo luật Bong bóng năm 1720, nhằm mục đích ngăn chặn những thảm họa đầu cơ tương tự trong tương lai.

Cuộc hoảng loạn năm 1873

Cuộc khủng hoảng năm 1873 bắt nguồn từ sự sụp đổ của Jay Cooke & Company – một ngân hàng lớn của Mỹ chuyên đầu tư mạnh vào ngành đường sắt. Việc ngân hàng này tuyên bố phá sản kéo theo làn sóng phá sản của hàng loạt ngân hàng khác, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và tình trạng thất nghiệp lan rộng.

Người Mỹ tụ tập bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York ngay sau khi cuộc khủng hoảng năm 1907 xảy ra. Ảnh: Wikimedia
Người Mỹ tụ tập bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York ngay sau khi cuộc khủng hoảng năm 1907 xảy ra. Ảnh: Wikimedia

Để ngăn chặn làn sóng này, chính phủ Mỹ phải đình chỉ các khoản thanh toán của ngân hàng và dừng xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Các cải cách tài chính dần được thực hiện, nhằm mục đích ổn định lĩnh vực ngân hàng và khôi phục niềm tin vào nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng năm 1873 là lời cảnh báo về việc các ngành công nghiệp và thể chế liên kết với nhau có thể gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính trên diện rộng.

Cuộc hoảng loạn năm 1907

Cuộc hoảng loạn năm 1907 khởi đầu từ một nỗ lực bất thành nhằm chiếm lĩnh thị trường cổ phiếu của công ty sản xuất đồng United Copper. Điều này dẫn đến những cuộc rút tiền ồ ạt của người dân Mỹ do tâm lý lo ngại ngân hàng của họ sẽ phá sản, đẩy hệ thống tài chính của nước này đến bờ vực khủng hoảng.

Trước tình hình trên, nhà tài phiệt John Pierpont Morgan đã một tay cứu cả nền tài chính Mỹ bằng cách tổ chức một nhóm các chủ ngân hàng để lập ra các quỹ khẩn cấp, ổn định các tổ chức quan trọng và ngăn không cho sự hoảng loạn lan rộng.

Cuộc hoảng loạn 1907 phơi bày những khiếm khuyết trong hệ thống tài chính Mỹ, và nhấn mạnh nhu cầu về việc có một ngân hàng trung ương để ngăn chặn khủng hoảng tài chính và bảo vệ nền kinh tế. Đây chính là tiền đề cho việc thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ năm 1913.

Đại suy thoái

Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế lớn nhất thế kỷ XX khởi đầu từ sự sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 và đẩy thế giới vào một thập kỷ suy thoái với nhiều ngân hàng phá sản, các doanh nghiệp đóng cửa và nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ. Bên cạnh đó, Đại suy thoái đã xóa sổ sinh kế của hàng triệu người, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt và tình trạng nghèo đói lan rộng ở mức chưa từng có.

Người thất nghiệp Mỹ xếp hàng chờ nhận trợ cấp trong bối cảnh đại suy thoái. Ảnh: Getty
Người thất nghiệp Mỹ xếp hàng chờ nhận trợ cấp trong bối cảnh đại suy thoái. Ảnh: Getty

Để ứng phó, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã đưa ra Chính sách kinh tế mới, gồm một loạt cải cách đầy tham vọng nhằm phục hồi kinh tế. Chính sách kinh tế mới tạo ra các mạng lưới an sinh xã hội, thành lập Ủy ban Chứng khoán & Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cùng các sáng kiến ​​tạo công ăn việc làm cho người dân để nhanh chóng đẩy lui làn sóng thất nghiệp

Đại suy thoái nhấn mạnh đến nhu cầu về các biện pháp bảo vệ kinh tế mạnh mẽ và sự can thiệp của chính phủ để giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính.

(Còn tiếp)

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đang đến gần?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật