spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc Tế10 năm sau thảm kịch MH370, Malaysia Airlines đối mặt khủng hoảng...

10 năm sau thảm kịch MH370, Malaysia Airlines đối mặt khủng hoảng mới

Sau 10 năm vật lộn với hậu quả từ vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370, Malaysia Airlines đang phải đương đầu với một loạt thách thức mới.

Mặc dù vừa ghi nhận khoản lợi nhuận lần đầu tiên sau một thập kỷ, hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines hiện đang chịu áp lực giám sát ngày càng tăng do liên tiếp xảy ra sự cố kỹ thuật.

Từ tháng 8, Malaysia Airlines đã phải cắt giảm 20% chuyến bay và thu hẹp nhiều tuyến đường phổ biến đến các điểm đến trong khu vực như Bangkok, Bali, Jakarta, Osaka, Thượng Hải và Singapore. Sự cố gần đây nhất xảy ra vào ngày 11/9, khi một chiếc Boeing 737 buộc phải quay đầu ngay sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bali. Đây là sự cố thứ 6 kể từ tháng 8, làm dấy lên lo ngại về an toàn bay của hãng.

10 năm sau thảm kịch MH370, Malaysia Airlines đối mặt khủng hoảng mới - ảnh 1
Máy bay của Malaysia Airlines – chủ của chiếc máy bay mất tích MH370 – đậu tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia

Giám đốc điều hành Izham Ismail của công ty mẹ Malaysia Aviation Group cho biết nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt linh kiện quan trọng từ các nhà sản xuất thiết bị gốc, cùng với nhu cầu bảo dưỡng máy bay tăng cao trên toàn cầu.

Tuy nhiên đây không phải là vấn đề riêng của mình Malaysia Airlines. Gần đây, hãng hàng không Cathay Pacific cũng phải tạm dừng toàn bộ đội bay Airbus A350 sau khi phát hiện sự cố động cơ trên một chuyến bay đến Zurich.

Theo chuyên gia hàng không Shukor Yusof từ Endau Analytics, nhiều vấn đề của hãng Malaysia Airlines bắt nguồn từ vận hành nội bộ. Ông chỉ ra rằng trước năm 2017, Malaysia Airlines đã thay đổi 5 CEO trong vòng 15 năm, trái ngược với sự ổn định lãnh đạo ở các hãng hàng không thành công khác trong khu vực như Emirates, Qatar Airways và Singapore Airlines.

Đặc biệt, quyết định cắt giảm 1/3 nhân sự vào năm 2015 dưới thời CEO Christoph Mueller đã khiến nhiều kỹ sư lành nghề rời bỏ hãng. Nhiều người trong số họ đã tìm được vị trí tại các hãng hàng không vùng Vịnh như Etihad, Emirates, Kuwait Airways, Saudia và Oman Air, trong khi những người khác chuyển đến Indonesia, Singapore và Hong Kong. Hậu quả của động thái này vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động của Malaysia Airlines cho đến ngày nay.

Trong nước, Malaysia Airlines cũng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt về nhân sự khi các công ty như AirFrance Industrie và KLM Engineering and Maintenance đã tuyển dụng lại các cựu kỹ sư của hãng.

Mặc dù Malaysia Airlines đã nhận được sự cảm thông khi xử lý nhanh chóng các vấn đề gần đây, lợi nhuận ròng của hãng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do phải cắt giảm 1/4 các tuyến bay. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Malaysia Airlines đang phải nỗ lực vượt qua những thách thức hiện tại để khôi phục uy tín và vị thế của mình trên thị trường hàng không khu vực.

Theo SCMP

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật