spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc Tế20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc...

20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á

20 năm với 3 người làm Thủ tướng, những cái tên trong gia đình Shinawatra gắn với những thành tựu kinh tế và những cuộc đối đầu chính trị không hồi kết tại Thái Lan.

Gia tộc Shinawatra, một cái tên gắn liền với quyền lực và tranh cãi trong chính trường Thái Lan, không chỉ là biểu tượng của sự thăng trầm về kinh tế – xã hội, mà còn là tâm điểm của những cuộc đối đầu không hồi kết giữa các lực lượng dân chủ, quân đội, và những người trung thành với Hoàng gia.

Với hơn hai thập kỷ ảnh hưởng sâu rộng, gia tộc này đã định hình tương lai chính trị của đất nước, để lại dấu ấn sâu sắc về cả thành tựu lẫn tranh cãi gắn với giai đoạn chuyển mình về kinh tế của xứ sở Chùa Vàng.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, cùng đảng Pheu Thai, đã vượt qua một số thách thức pháp lý ban đầu. Dù vậy, những người phản đối vẫn kiên trì và Ủy ban bầu cử đang điều tra về khả năng cha của bà – cựu Thủ tướng Thaksin sẽ ảnh hưởng đến những chính sách của đảng cầm quyền.

20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 1
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra

Từ một gia đình gốc nhập cư từ Trung Quốc, những thành viên gia tộc Shinawatra đóng góp phần lớn vào những biến động xã hội và chính trị của Thái Lan trong thế kỷ 21. Trong vòng 23 năm, 3 người mang họ Shinawatra đã ba lần nắm giữ vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước, về danh nghĩa dưới Quốc vương. Và cả ba lần, những bước đi của họ đều là tâm điểm của sóng gió chính trị tại đất nước chùa Vàng.

Nhân vật trung tâm và đầu tiên bước lên đỉnh cao của bộ máy chính trị là ông Thaksin Shinawatra – cha của Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm. Không chỉ là một chính trị gia, ông còn là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng, sau khi nhanh chóng chuyển mình từ một cảnh sát trở thành tỷ phú kinh doanh ở đa dạng lĩnh vực, và sau đó là nhà lãnh đạo chính trị được lòng quần chúng, đặc biệt là tầng lớp người nghèo trong xã hội Thái Lan.

Hành trình vươn tới đỉnh cao

Câu chuyện làm giàu của ông Thaksin và gia đình Shinawatra được coi như “giấc mơ Mỹ” phiên bản Đông Nam Á trong thời kỳ chuyển mình làm kinh tế của Thái Lan những năm 1980-1990.

Với xuất phát điểm từ một gia đình tương đối khá giả ở miền bắc Thái Lan, nguồn gốc tài sản ban đầu của gia đình bắt nguồn từ một doanh nghiệp tơ lụa được thành lập vào đầu thế kỷ 20 giúp ông Thaksin có một sự nghiệp vững vàng trong ngành cảnh sát suốt 14 năm.

Ông cũng hoạt động kinh doanh mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: từ bán lẻ tơ lụa, kinh doanh rạp chiếu phim, bất động sản đến cho thuê máy tính. Thập niên 1980-1990 với sự bùng nổ công nghệ thông tin đã giúp khối tài sản của gia đình tăng lên đáng kể.

Mối quan hệ chính trị và sự nhạy bén trong kinh doanh càng giúp Thaksin giành được những hợp đồng độc quyền quan trọng. Ông nhanh chóng có được những thỏa thuận nhiều ưu đãi của Chính phủ trong các lĩnh vực viễn thông: dịch vụ nhắn tin, điện thoại di động, truyền hình cáp, mạng dữ liệu và vệ tinh.

Đỉnh cao sự nghiệp là Shin Corporation – một đế chế kinh doanh với những thương vụ lớn. Công ty sở hữu Advanced Info Service – nhà điều hành di động hàng đầu Thái Lan, và Shin Satellite (nay là Thaicom). Đỉnh điểm là thương vụ bán Shin Corp cho quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings vào năm 2006, mang về số tiền khổng lồ.

Ngày nay, gia tộc Shinawatra tiếp tục mở rộng đế chế kinh doanh. Vợ cũ của ông Thaksin và các con – Pintongta và Panthongtae – điều hành các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực: bất động sản, chăm sóc sức khỏe và khách sạn.

Một số công ty của gia đình được niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan, như SC Asset – công ty phát triển bất động sản do con rể Nuttaphong Kunakornwong quản lý. Để theo đuổi con đường chính trị, người con gái út là bà Paetongtarn đã phải từ bỏ các vị trí trong khu vực tư nhân, tuân thủ các quy định về sở hữu cổ phần trước khi nhậm chức Thủ tướng Thái Lan vào năm 2024.

20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 2
Ông Thaksin Shinawatra vào tháng 8/2024

Từ một gia đình kinh doanh tơ lụa nhỏ lẻ, Shinawatra đã xây dựng một đế chế kinh doanh trải rộng, tạo cơ sở vững chắc cho ông Thaksin bước vào chính trường.

Năm 2001 đánh dấu bước ngoặt khi ông lần đầu trở thành Thủ tướng. Với Đảng Thai Rak Thai (dịch: đảng Người Thái Yêu Thương Người Thái), Thaksin đã xây dựng một nền tảng chính trị độc đáo – lấy người nghèo làm trung tâm. Các chính sách như chương trình “Bảo hiểm y tế 30 bath”, hoãn trả nợ 3 năm cho nông dân, và đầu tư 1 triệu baht phát triển dành cho các vùng nông thôn. đã giúp ông chiếm trọn cảm tình của tầng lớp lao động.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã triển khai loạt chính sách kinh tế mạnh mẽ nhằm hỗ trợ người dân và thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Các biện pháp bao gồm kế hoạch hoãn nợ cho nông dân, dự án nhà ở giá rẻ và các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điểm nhấn trong chính sách của ông là chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân – một cải cách được đánh giá cao đã mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người nghèo. Tính đến nay, “thẻ vàng” của chương trình đã được 47 triệu người Thái – tương đương 70% dân số – sử dụng, mang lại lợi ích to lớn sau hai thập kỷ triển khai.

Tuy nhiên, chính trường Thái Lan sau đó chứng kiến những xung đột sâu sắc. Cuộc đảo chính năm 2006 lật đổ chính quyền Thaksin đã dẫn đến sự ra đời của hai phong trào chính trị đối lập: “Áo đỏ” – do những người ủng hộ Thaksin chủ yếu ở nông thôn thành lập để bảo vệ dân chủ, và “Áo vàng” – đại diện cho giới trung lưu thành thị, có xu hướng muốn loại bỏ ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra khỏi chính trường.

Năm 2005, chiến thắng áp đảo của ông Thaksin trong cuộc tổng tuyển cử toàn dân đã đẩy mâu thuẫn này lên đỉnh điểm. Năm 2006, một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ ông, buộc Thaksin phải sống lưu vong.

Tuy nhiên, sự thành công của Thaksin đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ tầng lớp tri thức ở các thành thị, những người nghi ngờ các dấu hiệu tham nhũng trong Chính phủ Thaksin, và giới tinh hoa truyền thống – đặc biệt là tầng lớp quý tộc thân cận với Hoàng gia Thái Lan.

Em gái ông, Yingluck Shinawatra, tiếp bước trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 cùng với đảng cầm quyền Pheu Thai (dịch: đảng Vì nước Thái). Tuy nhiên, số phận chính trị của bà cũng không khác gì khi 3 năm sau, bà bị phán quyết tư pháp loại khỏi chính trường, kết tội thiếu trách nhiệm và cũng phải sống lưu vong 6 năm ở nước ngoài.

20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 3
Ông Thaksin cùng em gái, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck ở Tokyo năm 2018

Sự trở lại của gia tộc Shinawatra

Tiếp theo đó là gần một thập kỷ im hơi lặng tiếng khỏi chính trường. Vài năm trở lại đây, gia tộc Shinawatra đang tái khẳng định ảnh hưởng của mình tại Thái Lan thông qua những nước đi táo bạo và chiến lược.

Cuộc bầu cử tháng 5/2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Đảng Pheu Thai, mặc dù không chiến thắng, đã thành công trong việc thiết lập liên minh chính trị phức tạp để tạo thành liên minh đảng cầm quyền.

Ông Srettha Thavisin của đảng này đắc cử Thủ tướng. Ngay sau đó, ông Thaksin Shinawatra đã quay trở về nước, mặc dù vẫn phải thực hiện án tù 8 năm vào tháng 8/2023, nhưng nhanh chóng được hưởng ân xá của Hoàng gia và tạm tha vào tháng 2/2024 vì lý do sức khỏe.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Srettha ngắn ngủi do bị cách chức vì vi phạm đạo đức. Ngay lập tức, bà Paetongtarn Shinawatra – con gái út của cựu thủ tướng Thaksin – đã được Quốc hội bầu làm người kế nhiệm khi mới 38 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan.

20 năm 3 đời Thủ tướng : Sóng gió ở gia tộc quyền lực bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 4
Ông Thaksin Shinawatra được chào đón ở sân bay Don Mueang sau khi trở về nước vào năm 2023 sau nhiều năm lưu vong

Sự trở lại của gia tộc này không hoàn toàn suôn sẻ. Thái Lan hiện tại đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa đảng Pheu Thai và các đảng đối lập, đặc biệt là Đảng Move Forward (đảng Tiến bước) – mặc dù đã bị tuyên bố giải thể vào tháng 8/2024. Đồng thời những thách thức về kinh tế – xã hội như tỷ lệ nợ cao, bất bình đẳng và tốc độ giảm nghèo chậm lại đang tạo áp lực lớn cho những nhà lãnh đạo mới của đất nước.

Theo BNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật