spot_img
28.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc Tế25 vòng đàm phán vẫn bế tắc, quốc gia Đông Nam Á...

25 vòng đàm phán vẫn bế tắc, quốc gia Đông Nam Á cảnh báo Mỹ ‘vượt lằn ranh đỏ’

Malaysia đang nỗ lực đàm phán với Hoa Kỳ nhằm giảm mức thuế nhập khẩu 25% mà Washington áp đặt lên hàng xuất khẩu của nước này, đồng thời kiên quyết không chấp nhận các điều kiện ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, theo tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Tengku Zafrul Aziz hôm 10/7.

Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị thượng đỉnh Reuters NEXT tại Singapore, ông Zafrul nhấn mạnh rằng Kuala Lumpur sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu điều đó đi ngược lại lợi ích quốc gia. “Chúng tôi không đàm phán chỉ để có một thỏa thuận bằng mọi giá. Nếu không có lợi cho Malaysia, thì không có lý do gì để tiến tới ký kết”, ông nói.

Các yêu cầu của phía Mỹ được cho là bao gồm những nội dung nhạy cảm liên quan đến thuế kỹ thuật số, thương mại điện tử, tiêu chuẩn y tế, chứng nhận Halal và quy trình mua sắm chính phủ – những lĩnh vực mà Malaysia cho rằng thuộc phạm vi điều hành nội bộ.

25 vòng đàm phán vẫn bế tắc, quốc gia Đông Nam Á cảnh báo Mỹ ‘vượt lằn ranh đỏ’ - ảnh 1
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz

Thuế quan mới dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/8 sau khi được gia hạn từ hạn chót ban đầu là 9/7. Nếu không đạt được thỏa thuận trước thời điểm đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Malaysia – đặc biệt là linh kiện bán dẫn và thiết bị điện tử – sẽ phải chịu thuế lên tới 25%.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ tại Đông Nam Á, chỉ sau Trung Quốc, và là nguồn cung quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Zafrul cho biết Malaysia không có ý định trả đũa thương mại, nhưng vẫn tự tin rằng “hơn 50% khả năng” hai bên có thể đạt được thỏa thuận, miễn là kịp tiến độ. Phía Malaysia đã tiếp xúc với Mỹ ít nhất 25 lần, đưa ra nhiều cam kết về cải thiện tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường và thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới an toàn.

Đáng chú ý, đề xuất của Malaysia còn bao gồm việc mua ít nhất 30 máy bay Boeing mới cho hãng hàng không quốc gia, cùng với các thỏa thuận công nghệ và bán dẫn, như một phần nỗ lực cân bằng cán cân thương mại song phương.

Thủ tướng Anwar: “Thương mại đang bị vũ khí hóa”

Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã phát biểu mạnh mẽ tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, cảnh báo về tình trạng “vũ khí hóa thương mại” trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

“Những công cụ từng được dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giờ đây lại bị khai thác như phương tiện để gây áp lực, cô lập và kiềm chế”, ông Anwar nói, ám chỉ việc các cường quốc, ngày càng sử dụng thuế quan, hạn chế xuất khẩu và rào cản đầu tư như vũ khí chính sách.

“Đây không phải cơn bão thoáng qua. Đây là kiểu thời tiết mới của thời đại chúng ta”, ông tuyên bố, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đang trên đường tới Malaysia trong chuyến công du đầu tiên tại châu Á với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Washington.

Mặc dù phía Mỹ khẳng định chuyến đi nhằm tái khẳng định cam kết với một “châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhiều nhà phân tích nhận định vấn đề thương mại và thuế quan sẽ là chủ đề chi phối các cuộc gặp bên lề hội nghị.

ASEAN đối mặt sức ép

Malaysia là một trong sáu quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế từ 25% đến 40% nếu không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/8. Các nước còn lại bao gồm Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khối đã ký được thỏa thuận với Mỹ.

Ông Anwar kêu gọi ASEAN cần đối mặt với thực tế mới bằng “sự rõ ràng và quyết tâm”, đồng thời nhấn mạnh rằng khối phải tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại và kinh tế, thúc đẩy nội thương và đầu tư nội khối, từ đó củng cố tính kết nối và khả năng chống chọi trước biến động toàn cầu.

“Chúng ta không thể để thế giới bị chia cắt thành các vùng ảnh hưởng, cũng không thể chấp nhận những quyết định quan trọng lại được đưa ra mà vắng mặt chúng ta”, ông khẳng định. “ASEAN là một khu vực tự xác định con đường phát triển của mình – một cách nhất quán, có chủ đích và có tiếng nói riêng”.

Theo Reuters

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật