Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã khiến hơn 300 tỷ USD tài trợ tiềm năng cho cơ sở hạ tầng Mỹ đối mặt với tình trạng rủi ro, khi các nhà đầu tư lo ngại trước quy mô đảo ngược chính sách khí hậu của ông Joe Biden.
Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức đầu tuần này, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp hủy bỏ các chính sách của ông Biden, bao gồm việc dừng giải ngân các quỹ liên bang cho nhà sản xuất và nhà phát triển hạ tầng.
Những quỹ bị ảnh hưởng được cung cấp theo 2 đạo luật quan trọng trong nhiệm kỳ của ông Biden là Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) và luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng – bao gồm gần 50 tỷ USD trong các khoản vay đã được Bộ Năng lượng phê duyệt và khoảng 280 tỷ USD khác đang chờ xử lý, theo phân tích của Financial Times.
“Mọi cơ quan phải ngay lập tức dừng giải ngân các khoản tài trợ được phân bổ theo những đạo luật này”, chính quyền ông Trump tuyên bố trong một sắc lệnh mang tên “Giải phóng Năng lượng Mỹ”.
Rob Barnett, nhà phân tích cấp cao, nhận định: “Với những ai có khoản tài trợ, bảo lãnh vay hoặc quỹ liên quan đến IRA mà chưa được giải ngân, sẽ rất khó để số tiền đó được phê duyệt dưới thời ông Trump”.
Sắc lệnh hành pháp này là một trong hàng chục quyết định được ông Trump ký vào đêm ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, nhằm kết thúc “Thỏa thuận Xanh” của ông Biden và thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Động thái của Tổng thống Mỹ đã gây chấn động ngành năng lượng sạch, báo hiệu ý định phá vỡ chính sách công nghiệp của ông Biden, đặc biệt là những chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
“Các sắc lệnh hành pháp cho thấy nguồn vốn liên bang dành cho sản xuất xe điện và pin sẽ khó tiếp cận hơn, làm gia tăng rủi ro vốn bị mắc kẹt đối với những dự án sản xuất đang triển khai”, Shay Natarajan từ quỹ đầu tư Mobility Impact Partners bình luận.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các trang trại điện gió trên đất và vùng biển liên bang, đồng thời chấm dứt những “trợ cấp không công bằng” cho xe điện.
Tuần này, nhà sản xuất cáp Prysmian Group của Italy tuyên bố sẽ hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Massachusetts, nơi dự kiến sản xuất cáp cho ngành điện gió ngoài khơi.
Nhiều nhà đầu tư khác đã thu hẹp kế hoạch năng lượng tái tạo tại Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức, như tập đoàn năng lượng Đức RWE vào tháng 11 năm ngoái thông báo rút lại kế hoạch điện gió tại Mỹ.
Theo Rystad Energy, gần 25GW các dự án điện gió ngoài khơi – chiếm 65% dự án đang phát triển tại Mỹ – khó có thể tiến triển dưới thời ông Trump.
“Khi môi trường đầu tư ở Mỹ trở nên bất ổn, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến khả năng thu hút vốn”, Eli Hinckley, đối tác tại Baker Botts, nhận xét.
Theo Financial Times