Một trong những tuần lễ mang tính bước ngoặt nhất trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, của kinh tế toàn cầu đã khép lại vào thứ Sáu với âm vang nặng nề: Nasdaq rơi vào thị trường giá xuống khi giới đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào sẽ đẩy thế giới vào suy thoái.

Chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi ông Trump nâng hàng rào thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, Trung Quốc vào thứ Sáu tuyên bố sẽ áp thêm mức thuế 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đẩy cuộc chiến thương mại toàn cầu lên một nấc thang nguy hiểm mới.
Mọi hy vọng của nhà đầu tư về việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell, sẽ “giải cứu” thị trường bằng cách phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất, nhanh chóng tiêu tan khi ông Powell nhấn mạnh các “rủi ro gia tăng” đối với cả tăng trưởng lẫn lạm phát.
Lập trường “chờ và xem” này khiến phố Wall thêm hoang mang, chỉ số S&P 500 sụt 6%, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 5.000 tỷ USD chỉ trong vòng 2 ngày.
Fed đang trong tình thế khó khăn thực sự: đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng nhanh chóng trong khi áp lực lạm phát cũng không ngừng leo thang. Trái phiếu Kho bạc Mỹ có vẻ như bị giằng co giữa hai thái cực này, nhưng giới giao dịch lãi suất thì đã thể hiện quan điểm rất rõ. Thị trường hiện phản ánh đầy đủ kỳ vọng rằng sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng 6.
Tuy nhiên, với mức bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán, niềm tin nhà đầu tư sụp đổ và triển vọng kinh tế vô cùng bất định, sẽ không quá bất ngờ nếu Fed quyết định hạ lãi suất ngay tại cuộc họp ngày 6-7/5. Thậm chí, nếu đà bán tháo tiếp diễn trong tuần tới, khả năng có một động thái “ngoài cuộc họp” cũng không thể bị loại trừ.
Đây là đợt lao dốc mạnh nhất của chứng khoán toàn cầu kể từ đại dịch năm 2020. Nhưng khác với thời điểm đó hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cơn hỗn loạn hiện tại trên phố Wall là kết quả từ những lựa chọn chính sách có chủ đích, từ một chính phủ mà lẽ ra phải biết trước hậu quả là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không muốn nói là rất dễ xảy ra.
Mức thuế quan cao nhất của Mỹ trong hơn 100 năm qua
Theo các nhà phân tích của JPMorgan, đây là đợt tăng thuế lớn nhất kể từ năm 1968, và họ hiện cho rằng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu đang tới rất gần.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 5.000 tỷ USD chỉ trong hai ngày, nâng tổng thiệt hại kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 lên gần 8.000 tỷ USD
Các chuyên gia kinh tế tại Barclays hiện dự báo lạm phát Mỹ sẽ vượt 4% trong năm nay, trong khi GDP sẽ suy giảm trong quý IV, một kịch bản “hoàn toàn phù hợp với suy thoái”.
Phần còn lại của thế giới cũng không thoát khỏi nỗi đau này. Các nhà kinh tế tại Citi cho rằng tăng trưởng của khu vực Eurozone sẽ bị bào mòn tới 1 điểm phần trăm, đẩy khối này đến sát bờ vực suy thoái, trong khi Trung Quốc cũng có thể chịu cú giáng tương tự lên GDP, vốn đã được dự báo sẽ giảm xuống dưới 5%.
Khi nhu cầu toàn cầu sắp sửa giảm mạnh, nếu không muốn nói là suy giảm hoàn toàn, giá dầu vào thứ Sáu đã lao dốc hơn 6% ngày thứ hai liên tiếp. Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn chạm mức thấp nhất trong 4 năm, gần 62 USD/thùng, và hiện đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng: trong một khoảnh khắc ngắn ngủi hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu chính phủ Thụy Sĩ kỳ hạn hai năm giảm xuống dưới 0%. Dù đúng là Thụy Sĩ có mức lãi suất chính thức chỉ 0,25%, nhưng đây vẫn là một tín hiệu rõ ràng cho thấy giới đầu tư đang thực sự lo lắng.
Thị trường sẽ nghỉ giao dịch vào cuối tuần, nhưng các đường dây liên lạc giữa các nhà hoạch định chính sách toàn cầu chắc chắn vẫn sẽ “nóng máy”, khi các chính phủ gấp rút tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến thương mại và các ngân hàng trung ương cân nhắc các biện pháp ứng phó.
Theo Reuters