Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan – hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân – tiếp tục gia tăng sau khi New Delhi tiến hành không kích vào chín địa điểm trên lãnh thổ Pakistan. Động thái được xem là nhằm đáp trả vụ tấn công do phiến quân thực hiện khiến nhiều du khách thiệt mạng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Phát ngôn viên quân đội Pakistan, Thiếu tướng Ahmed Sharif Chaudhry, cho biết ít nhất tám người thiệt mạng và 35 người bị thương trong các cuộc không kích. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan tuyên bố với truyền thông địa phương rằng lực lượng nước này đã bắn hạ 5 máy bay của Ấn Độ.

Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 7/5, các cuộc tấn công nhắm vào các trại khủng bố được cho là nơi tổ chức các hoạt động chống lại New Delhi. “Chúng tôi thực hiện cam kết đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra ánh sáng,” tuyên bố nêu rõ. Đại diện quân đội Ấn Độ cũng khẳng định trên mạng xã hội X: “Công lý đã được thực thi.”
Các cuộc không kích của Ấn Độ diễn ra bất chấp nỗ lực ngoại giao trước đó, bao gồm các cuộc điện đàm từ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới lãnh đạo hai nước nhằm hạ nhiệt tình hình.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tình hình có thể tiếp tục xấu đi. Chuyên gia Asfandyar Mir từ Trung tâm Stimson (Washington) nhận định: “Quy mô và phạm vi các cuộc tấn công lần này có thể dẫn đến sự trả đũa đáng kể từ phía Pakistan”. Ông cho rằng Ấn Độ đã vượt qua hai “lằn ranh đỏ” – không chỉ không kích nhiều mục tiêu cùng lúc mà còn tấn công vào khu vực trung tâm của Pakistan tại tỉnh Punjab.
Đây được coi là đợt leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia kể từ cuộc chiến năm 1971.
Sau loạt không kích nhằm vào các mục tiêu mà New Delhi gọi là “cơ sở hạ tầng khủng bố” tại Pakistan và vùng Kashmir do Islamabad kiểm soát, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố trên nền tảng X rằng “thế giới phải thể hiện lập trường không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố.”
Phía Pakistan phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công nhằm vào du khách hồi tháng trước, đồng thời cáo buộc Ấn Độ đứng sau một mạng lưới khủng bố hoạt động bên trong lãnh thổ Pakistan. Ấn Độ đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định sẽ “truy đuổi những kẻ khủng bố đến tận cùng trái đất” – một thông điệp ông liên tục nhấn mạnh trong những ngày gần đây. Trước đó, Pakistan đã cảnh báo về khả năng Ấn Độ sắp thực hiện hành động quân sự.
“Pakistan sẽ không phải là bên khơi mào bất kỳ động thái leo thang nào,” Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar phát biểu. “Tuy nhiên, nếu Ấn Độ hành động trước, chúng tôi sẽ có phản ứng mạnh mẽ.”
Bóng ma của một cuộc xung đột mới lại hiện về giữa hai quốc gia từng ba lần giao tranh, phần lớn vì tranh chấp tại khu vực Kashmir – vùng đất có đa số dân theo đạo Hồi và vẫn chưa có giải pháp dứt điểm. Trong khi Pakistan đang chật vật đối phó với khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị, Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược với phương Tây, bao gồm Mỹ.
Ấn Độ lâu nay cáo buộc Pakistan hậu thuẫn các nhóm ly khai tại Kashmir – thung lũng nằm ở dãy Himalaya, nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và sự đa dạng sắc tộc. Tranh chấp bắt đầu từ năm 1947, khi Anh chia tách thuộc địa cũ thành Ấn Độ (đa số Hindu) và Pakistan (đa số Hồi giáo). Vị quân vương Hindu cai trị Kashmir khi đó ban đầu chọn giữ độc lập, nhưng sau đó đồng ý sáp nhập vào Ấn Độ khi Pakistan đưa quân chiếm đóng một phần vùng lãnh thổ này.
Hiện tại, cả Ấn Độ và Pakistan đều kiểm soát một phần Kashmir và tuyên bố chủ quyền toàn bộ, trong khi người dân Kashmir có rất ít quyền quyết định số phận của chính mình.
Từ cuộc chiến năm 1999 đến nay, Kashmir vẫn là một trong những khu vực được quân sự hóa cao nhất thế giới. Hai nước nhiều lần tiến sát bờ vực chiến tranh, trong đó có sự kiện năm 2019 khi một vụ đánh bom khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ việc do nhóm cực đoan Jaish-e-Mohammed nhận trách nhiệm, dẫn đến một cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan và việc một chiến đấu cơ Ấn Độ bị bắn hạ. Căng thẳng chỉ dịu lại sau khi Pakistan thả viên phi công bị bắt giữ.
Tham khảo Reuters, CNN, The New York Times (NYT)